Hiện 90% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa nằm trong ba tổ chức là Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) với 53,2%, tiếp đến là Gaoling (23,3%) và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (12,8%).
Theo tin từ Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM, Gaoling Fund vừa mua thành công 6,2 triệu cổ phiếu Công ty Cổ phần Vinacafe Biên Hòa (Mã CK: VCF), tương đương 23,33% vốn điều lệ của công ty. Ngày trở thành cổ đông lớn là 25/12.
Ngoài Gaoling, YHG Investment cũng mua 300.000 cổ phiếu Vinacafe, nâng tổng lượng cổ phiếu khối ngoại gom được lên 6,5 triệu đơn vị, bằng 24,46% vốn điều lệ.
|
Lei Zhang, người sáng lập ra Hillhouse |
Trước đó, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam - cổ đông Nhà nước lớn nhất tại Vinacafe thông báo đã bán xong 6,5 triệu cổ phiếu vào ngày 20/12. Theo quy định hiện nay, cổ phiếu sẽ về tài khoản của nhà đầu tư vào ngày T+3 (không tính thứ 7 và chủ nhật), tức vào ngày 25/12. Do vậy, giao dịch trên nhiều khả năng là Tổng Công ty Cà phê đã bán thỏa thuận cho khối ngoại gồm Gaoling và YHG.
Với mức giá giao dịch 137.000 đồng, ước tính hai quỹ trên đã chi khoảng 890 tỷ đồng (tương đương 42 triệu USD) cho thương vụ này.
Gaoling Fund hiện có trụ sở tại Cayman Islands, quốc đảo của những công ty tài chính do những quy định về thuế lỏng lẻo. Đây cũng là nơi mà các công ty quản lý quỹ như VinaCapital, Mekong Capital đặt trụ sở. Quỹ này do Hillhouse - một trong những quỹ phòng hộ lớn nhất châu Á có trụ sở tại Bắc Kinh quản lý.
Năm 2012, quỹ này lọt vào top 10 quỹ phòng hộ lớn nhất châu Á do Credit Suisse bình chọn. Đầu tháng 11 vừa qua, Finacial Times cũng chọn Hillhouse là quỹ cần theo dõi nhất ở châu Á với tổng tài sản quản lý khoảng 8 tỷ USD.
Người sáng lập ra Hillhouse là Lei Zhang, có bằng tiến sĩ về quản trị kinh doanh của trường đại học Yale (Mỹ). Ông Lei được báo chí quốc tế miêu tả là một nhà đầu tư kín tiếng khi mà Hillhouse có khoản đầu tư ở khắp nới trên thế giới (Mondelez International Inc, Sohu, Yahoo, Baidu, Youku...) nhưng vẫn ngồi ở Bắc Kinh.
Sau thương vụ trên, 90% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa nằm trong ba tổ chức là Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) với 53,2%, tiếp đến là Gaoling (23,3%) và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (12,8%).
|
Hiện 90% cổ phần của Vinacafe Biên Hòa nằm trong ba tổ chức là Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan, Gaoling và Tổng Công ty Cà phê Việt Nam |
Trước đó ngày 11/10/2011, Tập đoàn Masan, thông qua Masan Consumer đã công khai chào mua hoàn tất 13,32 triệu cổ phiếu VCF của Vinacafé Biên Hòa, tương đương 50,11% vốn điều lệ.
Sau khi hoàn tất thâu tóm, Masan vẫn muốn tăng quyền lực của mình tại công ty ăn nên làm ra này bằng cách tiếp tục mua thêm cổ phần. Tính tới cuối năm 2012, Masan đã nắm giữ hơn 14,14 triệu cổ phiếu VCF, nâng tỷ lệ sở hữu lên 53,2%.
Sau khi bị thâu tóm, cả VCF và Masan đều lên như diều gặp gió.Ngày 28/1/2011, VCF lên sàn với mức giá chào sàn là 50.000 đồng/CP và giao dịch ở quanh mức giá này trong khoản thời gian khá dài. Tuy nhiên, sau khi bị thâu tóm, VCF bỗng nhiên trở thành cổ phiếu “nóng”, được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm. Tính từ đó đến nay, VCF đã tăng hơn 400% lên mức 210.000 đồng/CP (giá đóng cửa ngày 5/7/2013).
Đầu năm 2012, công ty đã đặt kế hoạch rất tham vọng là 3.000 tỷ doanh thu và 360 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Tuy nhiên, đến cuối tháng 11, công ty đã phải giảm kế hoạch xuống còn tương ứng là 2.300 tỷ và 300 tỷ đồng. Kết thúc năm, VCF dù không hoàn thành kế hoạch doanh thu nhưng vẫn cán mức lợi nhuận điều chỉnh nhờ sự tăng trưởng rất mạnh trong quý 4.
9 tháng đầu năm 2013, Vinacafe đạt 115 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, giảm 25% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn Báo Đất Việt