Quỹ bảo vệ nhà đầu tư có tính khả thi thấp trong thời điểm hiện tại
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài chính, cho biết, khi Luật Chứng khoán có hiệu lực từ 1/1/2007 quy định công ty chứng khoán (CTCK) trích lập Quỹ bảo vệ NĐT để bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư (NĐT) do sự cố kỹ thuật và sơ suất của nhân viên CTCK, cơ quan quản lý đã quan tâm đến việc hình thành cơ chế để bảo vệ NĐT.
Đại diện Bộ Tài chính nhìn nhận, Quỹ bảo vệ NĐT chỉ là một trong những công cụ để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của NĐT. Thực tế, có rất nhiều cơ chế bảo vệ NĐT đã được thiết lập trong Nghị định 85 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK.
Ngoài các hình phạt tiền, tùy mức độ vi phạm, CTCK còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung như: đình chỉ hoạt động có thời hạn; thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động; tịch thu toàn bộ khoản thu trái pháp luật do thực hiện hành vi vi phạm mà có.
Ý kiến từ Bộ Tài chính còn cho rằng, nếu tổ chức thực thi nghiêm các quy định hiện có, thì không phải đợi Quỹ bảo vệ NĐT được hình thành mới bảo vệ được NĐT. Theo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 85 mà Chính phủ sắp ban hành, cũng như dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính mà Quốc hội đang xem xét để thông qua, mức phạt tiền tối đa đối với các vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK dự kiến lên 2 tỷ đồng, cao gấp 4 lần so với quy định hiện hành.
Lo nhất là tính khả thi
Việc đưa ra hướng dẫn CTCK trích lập Quỹ bảo vệ NĐT ở thời điểm hiện tại, theo ông Nghĩa, điều cơ quan quản lý e ngại nhất là tính khả thi. Điều này xuất phát từ thực tế do tình trạng kinh tế vĩ mô bất ổn, nên từ năm 2011 đến nay, TTCK gặp nhiều khó khăn. Hệ quả là hàng loạt CTCK bị thua lỗ phải rút bớt nghiệp vụ kinh doanh, thậm chí đứng trước bờ vực phá sản, ngừng hoạt động. Trong bối cảnh này, nếu buộc các CTCK phải trích lập Quỹ bảo vệ NĐT, sẽ gia tăng gánh nặng chi phí cho họ.
Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, nói như vậy không có nghĩa là đợi khi TTCK thuận lợi, CTCK làm ăn có lãi mới xây dựng hướng dẫn trích lập Quỹ bảo vệ NĐT. Sắp tới, trong quá trình sửa đổi, hoàn thiện chính sách, Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước sẽ nghiên cứu để sớm định hình thêm các công cụ pháp lý hữu hiệu bảo vệ NĐT. Trong đó, sẽ cụ thể hóa quy định về trích lập Quỹ bảo vệ NĐT đã được quy định trong Luật Chứng khoán, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của NĐT trong mối quan hệ với các CTCK.
Nguồn Đầu tư Chứng khoán