Quỹ bảo hiểm ngắn hạn dư 62.649 tỉ đồng: Không bình thường!
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ về tình hình quản lý và sử dụng Quỹ bảo hiểm xã hội năm 2013, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã phát hiện quỹ bảo hiểm ngắn hạn (ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo hiểm thất nghiệp) kết dư quá lớn.
Điều này gây gánh nặng cho người sử dụng lao động và ngân sách nhà nước, đồng thời mất công bằng đối với người thụ hưởng.
Cụ thể, Quỹ ốm đau và thai sản năm 2013 kết dư lũy kế bằng 14.726 tỉ đồng, Quỹ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp kết dư lũy kế bằng 16.281 tỉ đồng, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 31.642 tỉ đồng. Như vậy, tổng cộng kết dư 3 quỹ này hơn 62.649 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội ngày 26-5 về kết quả thẩm tra nói trên (trong ngày Quốc hội đã nghe tờ trình dự án Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai nói: "Kết dư của quỹ bảo hiểm ngắn hạn như thế là không bình thường. Bởi vì đây là quỹ bảo hiểm ngắn hạn, được đóng hằng năm để được bảo hiểm những vấn đề trong năm đó".
Thưa bà, đâu là nguyên nhân của điều không bình thường đó?
Ở đây có vấn đề về chính sách, thành ra sử dụng không hết quỹ bảo hiểm ngắn hạn này. Ví dụ như các vụ tai nạn lao động là rất lớn trong khi chi quỹ bảo hiểm cho tai nạn lao động rất thấp. Chỗ này giữa chính sách và thực tế đang có độ vênh, vì vậy cần bổ sung chính sách để làm sao cho quỹ bảo hiểm ngắn hạn đáp ứng được nhu cầu thực tế. Không thể vì quỹ nói trên kết dư lớn mà đề nghị chuyển sang quỹ hưu trí được.
Mỗi quỹ bảo hiểm mà người lao động đóng là để được bảo hiểm vấn đề đó, ví dụ như đóng cho thai sản để được bảo hiểm thai sản, đóng cho bệnh nghề nghiệp thì phải được chi cho mục tiêu này… Ủy ban về các vấn đề xã hội không thống nhất việc điều chuyển như thế.
Quan trọng nhất là phải bổ sung chính sách để làm sao sử dụng có hiệu quả nhất quỹ bảo hiểm ngắn hạn này, không để kết dư nhiều. Theo tôi, mỗi năm chỉ giữ lại phần dự phòng thôi là hợp lý, còn toàn bộ phải được sử dụng cho người lao động. Trong khi đó trên thực tế người lao động bị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động hằng năm cũng rất lớn. Thực tế như vậy nhưng tại sao quỹ bảo hiểm ngắn hạn lại kết dư lớn. Điều này do chính sách (chi trả) còn hẹp, cần phải được bổ sung.
Theo bà, trách nhiệm thuộc về người sử dụng lao động hay cơ quan quản lý nhà nước?
Từ cả hai phía. Một số chính sách đã không được thực thi tốt, đầy đủ trên thực tế. Mặt khác, chính sách quy định còn hẹp nên cần phải mở rộng hơn như liên quan đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, thai sản, ốm đau… để làm sao những quỹ này được sử dụng tốt nhất cho người lao động.
Trong số đó, tôi cho rằng cần bổ sung ngay chính sách dành cho người bị tai nạn lao động. Trong kỳ họp tới của Quốc hội sẽ trình Luật vệ sinh an toàn lao động, và trong luật này sẽ bổ sung một số vấn đề liên quan đến tai nạn lao động để làm sao sử dụng quỹ này được tốt hơn. Hiện nay tai nạn lao động là vấn đề rất nghiêm trọng nhưng thực tế sử dụng ở mức thấp như thế này (thể hiện qua số kết dư quỹ còn lớn) nhìn vào thấy rất vô lý.
Bà vừa nói tai nạn lao động là rất nghiêm trọng, bà có thể nói cụ thể hơn thực tế này qua giám sát?
Thực tế xảy ra nhiều vụ tai nạn rất nghiêm trọng, đặc biệt là lĩnh vực sử dụng các thiết bị mang tính chất nguy hiểm. Vì vậy cần bảo vệ cho người lao động tốt hơn. Ngoài việc tạo môi trường làm việc, bảo hộ lao động, lỡ không may gặp rủi ro bị tai nạn lao động thì chính sách bảo hiểm phải được tốt hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là làm sao để người lao động tiếp cận được chính sách đầy đủ, đồng thời như tôi nói phải tiếp tục mở rộng chính sách để người lao động hưởng được các chính sách tốt hơn và phải sử dụng hết quỹ trong năm, không thể để dư như hiện nay là không ổn.
Nhưng cơ chế nào để người lao động tiếp cận được chính sách một cách tốt nhất, vì thực tế không phải người lao động nào cũng có thể hiểu biết hết những quyền lợi mà mình được hưởng? Trách nhiệm thuộc về cơ quan nào?
Để người lao động tiếp cận được chính sách và thực thi các chính sách, trước hết là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước. Trách nhiệm thứ hai là của cơ quan bảo hiểm xã hội. Kế đến là vai trò của tổ chức công đoàn và theo tôi, vai trò này cực kỳ quan trọng, phải là nơi bảo vệ quyền lợi của người lao động tốt nhất.
Thậm chí Bộ luật lao động còn cho phép ở những nơi không có tổ chức công đoàn thì tổ chức công đoàn cấp trên được đại diện cho lợi ích của người lao động ngay tại từng doanh nghiệp. Cơ chế này đã rất mở rộng, chỉ có việc là thực thi như thế nào thôi.
Tôi vẫn nói với Tổng liên đoàn Lao động VN rất nhiều lần là cần dành một tỉ lệ ngân sách cao nhất cho việc bảo vệ người lao động, cụ thể là tuyên truyền phổ biến các chính sách, quyền lợi của người lao động; đại diện cho người lao động khởi kiện khi pháp luật bị xâm phạm…
Chúng tôi cũng đề nghị tăng chế tài đối với các vi phạm đến quyền lợi của người lao động, tăng thêm một số tội hình sự ở lĩnh vực này như trốn đóng bảo hiểm xã hội… Trên thực tế có những doanh nghiệp tệ đến mức vẫn trích tiền lương của người lao động để đóng bảo hiểm xã hội, nhưng doanh nghiệp này lại không mang đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Nguồn Tuổi trẻ