Quỹ 160 triệu USD của Mỹ nói gì về doanh nghiệp Việt?
Mới đây, ông Robert Harvey, nhà quản lý Quỹ thị trường mới nổi châu Á của Matthews Asia (MEAF), đã có một cuộc trao đổi thú vị với Barron’s Asia về tình hình thị trường Việt Nam.
Hiện tại, MEAF đang đầu tư vào 4 doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam là Vĩnh Hoàn, PNJ, Vinaseed và Nhựa Tiền Phong. 4 doanh nghiệp này nằm trong top 6 danh mục đầu tư cũng như chiếm hơn 13% tổng tài sản của quỹ. Với tổng tài sản 160 triệu USD, như vậy MEAF đang đầu tư hơn 21 triệu vào Việt Nam.
Theo Harvey, việc tìm kiếm các cơ hội ở những thị trường mới nổi như Việt Nam có điểm thuận lợi là có thể gặp được CEO hay nhà sáng lập doanh nghiệp. MEAF thích đầu tư dài hạn, do đó Harvey muốn hiểu được phong cách ra quyết định cũng như động lực của nhà lãnh đạo doanh nghiệp.
Với Việt Nam, MEAF nhìn thấy nhiều cơ hội từ thị trường tiêu dùng trong nước, và cho rằng ngay cả khi hiệp định TPP không được thông qua thì điều đó cũng chỉ là một bước lùi nhỏ. Theo Harvey, nếu nhìn vào triển vọng trong vòng 3 đến 5 năm tới, thì Việt Nam vẫn giữ nguyên được các lợi thế tích cực hiện nay.
Hiện tại, khoản đầu tư lớn thứ nhì của MEAF tại Việt Nam là vào công ty thủy sản Vĩnh Hoàn, chiếm 3,3% tài sản của quỹ. Câu chuyện làm Harvey ấn tượng nhất về bà Trương Thị Lệ Khanh, người sáng lập Vĩnh Hoàn, là ở chỗ bà đã tự thân lập nghiệp từ một xưởng sản xuất rất nhỏ. Giờ đây, Vĩnh Hoàn là nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất sang châu Âu và Mỹ tại Việt Nam nhờ vào chất lượng sản phẩm luôn ở mức cao.
Theo Harvey, một ưu điểm khác của Vĩnh Hoàn là khả năng sáng tạo và tìm kiếm các giá trị gia tăng mới thông qua việc chế biến các bán thành phẩm. Hiện tại, Vĩnh Hoàn đang xây dựng nhà máy để chiết xuất collagen từ da cá và tìm cách chào bán số collagen này cho các công ty mỹ phẩm quốc tế. Ngoài ra, MEAF cũng đánh giá cao tốc độ hoàn vốn từ các khoản đầu tư vào trại nuôi cá của Vĩnh Hoàn, thường là dưới 3 năm hoặc thậm chí có khi là dưới 1 năm.
Trong khi đó, nói về khoản đầu tư lớn nhất tại Việt Nam là PNJ (chiếm 4% tài sản quỹ), Harvey đánh giá cao các nỗ lực của Chủ tịch kiêm CEO Cao Thị Ngọc Dung trong việc giải quyết các vấn đề quản trị nội bộ thông qua việc mời các nhà tư vấn từ bên ngoài.
Bàn về triển vọng của PNJ, Harvey cho rằng tuy hiện tại doanh số nữ trang tính trên bình quân đầu người của Việt Nam còn rất thấp, nhưng người Việt luôn có thói quen mua sắm, tích trữ vàng và do đó doanh số sẽ tăng dần dần. Harvey cũng không đánh giá cao đối thủ cạnh tranh chính của PNJ là SJC, và cho rằng PNJ đang có môi trường kinh doanh “rất thú vị”.
Với khoản đầu tư tại Nhựa Tiền Phong (NTP), hiện chiếm 3% tài sản của MEAF, Harvey cho rằng thị trường nhựa xây dựng tại Việt Nam sẽ có một số thay đổi đáng kể trong thời gian tới. Trước đây, NTP và đối thủ chính là Nhựa Bình Minh (BMP) đã có một cuộc tranh giành thị phần của nhau khá gay gắt, với những biện pháp gây ảnh hưởng tới lợi nhuận như tăng gấp đôi tiền hoa hồng cho các đại lý để loại trừ sản phẩm của đối thủ. Ngoài ra, giai đoạn 2011-2014 cũng là thời kỳ khá khó khăn cho các doanh nghiệp nhựa xây dựng do tình trạng đóng băng bất động sản và giá vật liệu lên cao.
Giờ đây, với sự chuyển động trở lại của bất động sản, Harvey tin rằng lợi nhuận của ngành nhựa đang có dấu hiệu cải thiện, nhưng có thể phải cần 2 năm nữa mới thấy rõ. Ngoài ra, Harvey cho rằng việc tập đoàn SCG của Thái Lan đồng loạt mua lại cổ phần đáng kể ở NTP (20%) và BMP (gần 25%) cũng có thể sẽ làm giảm mức độ cạnh tranh giữa 2 doanh nghiệp này.
Tuấn Minh
Nguồn Barrons