Quốc hội xem xét đưa vàng và ngoại tệ vào dự trữ quốc gia
Về mục tiêu, dự án luật quy định dự trữ quốc gia nhằm đáp ứng những yêu cấp bách về thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh; phục vụ quốc phòng, an ninh; tham gia bình ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội. Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), chỉ nên quy định dự trữ quốc gia phục vụ cho những tình hình cấp bách, nên bỏ qua việc dự trữ để bảo đảm bình ổn giá, an sinh xã hội.
Đồng tình với ông Vinh, đại biểu Lê Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng, nên thu hẹp lại, chống xây dựng mục tiêu dàn trải. Việc ổn thị trường, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội hiện đã và đang áp dụng nhiều kênh, nhiều biện pháp khác nhau mà dự thảo Luật giá đã quy định.
Về nguồn lực dự trữ, đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang) cho hay, nên chia thành nguồn lực dự trữ tài chính, trong đó có dự trữ ngoại tệ, dự trữ vàng. Nguồn thứ hai là nguồn dự trữ mang tính chất chuyên ngành như quốc phòng hay dự trữ thương mại như dự trữ xăng dầu, năng lượng. Nguồn thứ ba là dự trữ vật chất hàng hóa thiết yếu như trong dự thảo luật nêu.
Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) cũng nêu, dự thảo luật chỉ quy định dự trữ hàng và vật tư. "Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu đưa vào trong nguồn hình thành dự trữ quốc gia cả vàng và ngoại tệ", vị này phát biểu.
Tuy nhiên, đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng, thực tiễn 8 năm qua chủ yếu dự trữ dưới hình thức hàng hóa, vật tư, chưa sử dụng đến hình thức dự trữ bằng tiền. Mặt khác, nếu cho dự trữ bằng tiền thì lại trùng với dự trữ tài chính của Ngân hàng Nhà nước để xử lý những vấn đề bất ổn trong vận hành của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ông Thụ đề xuất, phải quy định rõ hơn trong luật về việc dự trữ lương thực. "Nói rằng chúng ta là nước xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, nhưng dự trữ lương thực, cách thức dự trữ lương thực của chúng ta không có, chúng ta thua xa Thái Lan. Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia đều coi dự trữ lương thực là hàng đầu, trong đó có chính sách thu mua lương thực của nông dân", ông nói.
Về quy mô của quỹ dự trữ, nhiều đại biểu thống nhất, việc quy định mức tăng dần hàng năm đối với nguồn dự trữ là không hợp lý, cần quy định mức dự trữ phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của từng năm và theo mức độ tăng trưởng kinh tế của từng thời kỳ. Bởi có nhiều mặt hàng năm nay cần dự trữ, nhưng những năm sau không cần phải dự trữ, khối lượng dự trữ cũng có thể thay đổi theo tình hình.
"Nên quy định tỷ lệ phần trăm GDP như một số quốc gia khác", đại biểu Vinh đề xuất. Đại biểu Hoàng cũng góp ý, nên giao cho Chính phủ, căn cứ vào tình hình thực tế để trình Quốc hội xem xét quyết định tổng mức dự trữ phù hợp với Luật Ngân sách.
Ngoài ra, đại biểu Lê Thị Hương (Thanh Hóa) cũng đề nghị bổ sung trong dự thảo quy định cụ thể để khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân tham gia hoạt động dự trữ quốc gia. Tuy nhiên trong dự thảo luật lại không có quy định nào cụ thể hóa chính sách đó.
Theo bà Hương, tại Zambia hay Anh thì nguồn hình thành dự trữ quốc gia ngoài ngân sách nhà nước còn bổ sung từ các nguồn khác như lợi nhuận từ việc thu mua, xuất bán, hoán đổi hàng hóa, quà tặng hay tài trợ của các đơn vị tổ chức trong và ngoài nước.
Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, Quốc hội sẽ xem xét để điều chỉnh lại phạm vi, đối tượng của dự thảo. Bà cũng đánh giá, ý kiến về việc huy động thêm nguồn lực từ doanh nghiệp để mở rộng nguồn hình thành của dự trữ quốc gia, bên cạnh ngân sách nhà nước đạt được sự thống nhất rất cao.
Nguồn DVT/Quốc hội