Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng chống rửa tiền
Về mức phí, Chính phủ quyết định mức khung, trên cơ sở khung phí này, Ngân hàng Nhà nước quy định mức phí bảo hiểm tiền gửi cụ thể đối với tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi trên cơ sở kết quả đánh giá và phân loại các tổ chức này.
Phí bảo hiểm tiền gửi được tính trên cơ sở số dư tiền gửi bình quân của tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và nộp định kỳ hàng quý trong năm tài chính.
Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp phí bảo hiểm tiền gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi chậm nhất vào ngày 20 tháng đầu tiên của quý kế tiếp.
Về mô hình tổ chức, bảo hiểm tiền gửi do Thủ tướng Chính phủ thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu hoạt động của tổ chức.
Đối với Luật Phòng chống rửa tiền, các đại biểu thống nhất hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố được thực hiện theo quy định của Luật này, quy định của Bộ luật hình sự và pháp luật về phòng, chống khủng bố.
Về mức giá trị giao dịch phải báo cáo, theo Luật, với giao dịch tiền mặt có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên hoặc bằng ngoại tệ, vàng có giá trị tương đương thì phải báo cáo theo quy định. Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các mức giá trị giao dịch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo từng thời kỳ.
Các biện pháp phòng, chống rửa tiền áp dụng đối với tất cả các tổ chức tài chính, cá nhân tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh bất động sản...
Nguồn DVT/Quốc hội