Quốc hội thảo luận Dự thảo Luật Phá sản
Yêu cầu đặt ra là luật phải xác định rõ trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu Nhà nước và các chủ sở hữu khác, hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm. Luật Phá sản (sửa đổi) sẽ tạo lập môi trường pháp lý cho cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp với nguyên tắc của WTO và các cam kết quốc tế khác; xây dựng một khung pháp luật chung cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, xóa bỏ đặc quyền và độc quyền kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, quá trình sửa đổi Luật Phá sản 2004 trên cơ sở tôn trọng, bảo đảm thực hiện bình đẳng quyền và nghĩa vụ của mọi cá nhân, cơ quan, tổ chức khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh; đảm bảo tính kế thừa và phát triển các quy định của pháp luật phá sản ở Việt Nam, đồng thời tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế…
Nhiều đại biểu cho rằng Dự thảo Luật phá sản (sửa đổi) cần tránh khuynh hướng hình sự hóa việc phá sản của Luật hiện hành, đồng thời Dự thảo Luật phải có cái nhìn mới về việc phá sản đối với quyền lợi của doanh nghiệp, các bên liên quan cũng như với cơ quan thực thi pháp luật.
Dự án Luật do Toà án Nhân dân tối cao trình và dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này.
* Cũng trong ngày hôm nay, Quốc hội sẽ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh trình bày dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trình bày dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Nguồn Chinhphu.vn