Thứ Hai | 02/06/2014 11:36

Quốc hội thảo luận cách giảm lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc

Kịch bản ứng phó cho kinh tế trước căng thẳng biển Đông được nhiều đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp về tình hình kinh tế xã hội sáng nay.
Là kỳ họp giữa năm, lại chỉ dành một ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội, giữa bối cảnh trong nước và khu vực có nhiều biến động nên các giải pháp ứng phó với tình hình mới được các đại biểu Quốc hội đề cập sớm và khá thẳng thắn trong phiên họp sáng nay.

Gây được sự chú ý trong những phần phát biểu đầu tiên là Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - Vũ Tiến Lộc. Nhận định Quốc hội họp trong bối cảnh đặc biệt khi TPP vào nước rút, hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU sắp đi đến hồi kết, Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam, vị đại biểu tỉnh thái Bình cho rằng Việt Nam đang đứng trước yêu cầu đổi mới về kinh tế, trong đó, mấu chốt là đưa ra các giải pháp nhằm giảm bớt sự lệ thuộc vào Trung Quốc.

Đề xuất của ông Lộc bắt nguồn từ thực tế Việt Nam nhập nhiều nguồn nguyên nhiên liệu rẻ của Trung Quốc. Đơn cử, tỷ trọng nhập của nguồn phụ liệu dệt may, công trình thủy điện lên đến 50%. “Trung Quốc chỉ chiếm 10% thị trường xuất khẩu của ta nhưng lại là thị trường rau qủa lớn nhất của Việt Nam”, ông Lộc nói.

Theo vị đại biểu tỉnh Thái Bình, giá các mặt hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc “rất rẻ mạt”, chỉ bằng một phần mười so với các nước phương Tây nhưng Việt Nam vẫn phải chấp nhận vì hàng rào thuế quan của nhiều nước như Âu Mỹ còn cao. Bởi vậy, nhiệm vụ cần làm là đa dạng hóa đầu ra cho các các nông sản VN tại các thị trường khó tính nhưng đầy tiềm năng như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…. “Đây là việc cần làm, là lối ra cho nền kinh tế để tránh tình trạng bỏ trứng vào một giỏ như hiện nay”, ông Lộc kiến nghị.

Trong bối cảnh căng thẳng biển Đông leo thang, Chủ tịch VCCI cho rằng, không nên quá lo ngại trước ảnh hưởng giao thương hai nước Việt Trung. Ông phân tích, Việt Nam nhập nhiều mặt hàng của Trung Quốc song bên cạnh đó, hoạt động giao thương của Việt Nam là nguồn thu chính của nhiều tỉnh nghèo của nước này. Đây là thị trường mà Trung Quốc không thể bỏ qua, thậm chí theo ông Lộc có thể là một lợi thế kinh tế khi ta ở gần nước lớn như Trung Quốc. "Việc duy trì quan hệ bình thường là cần thiết. Sẽ tiếp tục lên án để yêu cầu rút giàn khoan nhưng cần khẳng định mọi hoạt động bài xích, phá hoại giao thương giữa 2 bên là thất sách, ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế Việt Nam”, Đại biểu Lộc tái khẳng định.

Không riêng ông Vũ Tiến Lộc, hầu hết các đại biểu trình bày sáng 2/6 đều nhấn mạnh kinh tế Việt Nam phải bằng mọi cách chấm dứt sự phụ thuộc vào các nước lớn. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề xuất Chính phủ cần có biện pháp chủ động tìm kiếm các hình thức xuất nhập khẩu mới, đề phòng Trung Quốc gây sức ép về kinh tế, buộc chúng ta phải nhượng bộ.

Ngoài ra, Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cũng thẳng thắn cho rằng, việc hoạt động ngoại thương chủ yếu nhờ các doanh nghiệp FDI như hiện nay bộc lộ sự kém bền vững của thành tích xuất siêu. "Đây là thời điểm để tái cơ cấu nền kinh tế, đặc biệt khi mối giao thương với Trung Quốc gặp khó, cần bộ ngành trợ giúp nông dân tìm kiếm thị trường thay thế, chú trọng đầu tư sản xuất hàng hóa, không để lệ thuộc quá mức vào nước láng giềng này", ông Đồng nói.

Để giảm sự phụ thuộc, theo các đại biểu Quốc hội, cần tăng thực lực nội địa. Thừa nhận sự xâm lấn truyền kiếp của nước láng giềng khó thay đổi, Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP HCM) đề nghị trong Nghị quyết tới đây, Quốc hội cần có nội dung tăng cường phát triển nhiều hơn nữa cho lực lượng kiểm ngư và có chính sách thu hút các nguồn lực hỗ trợ ngư dân, bảo vệ ngư trường, phát triển hải sản. "Nên kêu gọi công nhân học nghề không có việc làm đi học nghề đánh bắt hải sản. Ngân hàng nên cho vay hỗ trợ ngư dân ưu đãi nhiều hơn, lâu hơn, đến trực tiếp từng địa chỉ chủ tàu, cấm qua trung gian. Các doanh nghiệp, hãy bày tỏ lòng yêu nước khi tham gia đóng tàu cổ phần hỗ trợ ngư dân cùng chia lợi nhuận, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ", ông Đương nêu kiến nghị.

Trước đó, trong phần phát biểu khai mạc phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Chính phủ đã gửi đến đại biểu xin ý kiến phương án bảo đảm ngân sách năm 2013, với khoản tiền dự kiến dành 16.000 tỷ đồng chi cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư và hỗ trợ cho ngư dân đánh bắt xa bờ. "Đây là một vấn đề rất lớn sẽ được Quốc hội thảo luận và quyết định trong kỳ họp này. Để đi đến quyết định đáp ứng tình hình thực tế đặt ra trong bảo vệ chủ quyền, biển đảo của Việt Nam", bà nhận định.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa thiên Huế) nhận định, việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan làm tình hình kinh tế, xã hội Việt Nam diễn biến khó lường. Trong bối cảnh căng thẳng ở biển Đông, ông Nghĩa cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ như hỗ trợ lãi suất để ngư dân đóng tàu vỏ sắt. Theo đó, chỉ khi giữ vững chắc biển đảo, lòng dân mới yên tâm. “Tại những vùng trọng điểm, lãi suất ưu đãi cho ngư dân nên về 0% thay vì 3% như hiện nay”, ông Nghĩa đề xuất.

Trong bối cảnh biển Đông leo thang, Đại biểu Vũ Viết Ngoạn (Khánh Hòa) đề xuất cần tranh thủ sự ủng hộ đồng tình của thế giới. Thực tế cho thấy, chỉ số CDS (trái phiếu 5 năm, phản ánh mức độ rủi ro của trái phiếu Chính phủ Việt Nam trên quốc tế) đã giảm mạnh từ trên 480 điểm hồi tháng 10/2011 xuống 260 điểm cuối 2013. Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nói thêm, từ cuối tháng 4 đến nay, chỉ số này vẫn liên tục ổn định. "Chứng minh các nhà đầu tư vẫn dành lòng tin vào thị trường Việt Nam. Chính nghĩa sẽ không bao giờ đơn độc, Việt Nam đã và sẽ không bao giờ đơn độc”, ông Ngoạn khẳng định.

Tại phiên thảo luận, hầu hết các vị đại biểu đều đồng tình với kết quả kinh tế xã hội năm 2013 và những tháng đầu năm 2014. Tình hình kinh tế xã hội đã khả quan hơn, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng dần. Tuy nhiên, xu hướng ổn định chưa ổn, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó vay vốn. Do vậy, các đại biểu cho rằng Chính phủ cần tập trung ổn định và có chính sách quyết liệt hơn nữa trong việc điều hành kinh tế, xã hội.

Nguồn VnExpress


Sự kiện