Quốc hội khai mạc kỳ họp thứ 6 khóa XIII
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội được Bộ Kế hoạch & Đầu tư chuẩn bị mới đây, dự kiến năm 2013, chỉ 12 trong tổng số 15 chỉ tiêu đạt và vượt so với yêu cầu Quốc hội đề ra như tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 7%, thấp hơn kế hoạch là 8%; bội chi ngân sách khống chế ở 4,8% GDP, tỷ lệ nhập siêu so kim ngạch xuất khẩu chỉ khoảng 1,6% (kế hoạch 8%). 3 chỉ tiêu không đạt lại rơi vào nhóm quan trọng như tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ lệ tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP và tạo việc làm.
9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP của cả nước ước đạt 5,14%, thấp nhất trong 10 năm qua (nếu không tính hai năm kinh tế bi bét đó là 2009 và 2012). Dự kiến cả năm, kinh tế chỉ tăng trưởng khoảng 5,3-5,4%, không đạt mục tiêu 5,5% dù Chính phủ nhiều lần khẳng định chỉ cần những tháng cuối năm phấn đấu thì có khả năng sẽ đạt.
Theo các chuyên gia, kinh tế vẫn tăng trưởng "làng nhàng" là do tổng cầu yếu, sức mua thấp, hệ quả của việc thắt chặt chính sách quá mức. Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Thu đầu cuối 9, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định, chính việc thắt chặt chính sách quá mức đã dẫn đến tăng trưởng kinh tế thấp và doanh nghiệp suy kiệt.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thông qua 8 dự án Luật gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật việc làm; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy; Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật; Luật tiếp công dân; Luật đấu thầu (sửa đổi); Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) và cho ý kiến về 12 dự án Luật khác
Ngoài ra, thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013); Nghị quyết về dự toán, phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; Nghị quyết về quy hoạch tổng thể thủy điện; Nghị quyết về việc phát hành bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ cho một số dự án quan trọng, cấp bách...
Năm 2013, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 29,5% GDP (kế hoạch khoảng 30% GDP), giảm khá mạnh so với mức bình quân 40-41% GDP trước đó. Tăng trưởng tín dụng cũng giảm từ 31% xuống còn hơn 12%. "Tín dụng giảm hai phần ba chứng tỏ nhiều doanh nghiệp không đủ vốn lưu động", ông Ngoạn nhận định.
Trong 9 tháng đầu năm, cả nước đã có hơn 42.000 doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoạt động, kết quả là chỉ tiêu tạo việc làm không đạt kế hoạch khi chỉ có khoảng 1,54 triệu lao động có việc làm mới năm 2013 (kế hoạch là 1,6 triệu lao động).
Sang năm 2014, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo kinh tế thế giới và trong nước khả quan hơn. Cơ quan này đề xuất mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô đi đôi với việc thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, triển khai mạnh mẽ tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an ninh xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Trên cơ sở đó, một số chỉ tiêu cụ thể được đặt ra là tăng trưởng GDP phấn đấu đạt khoảng 5,8-6%, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 7%, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội chiếm khoảng 30% GDP, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu tiếp tục giảm xuống khoảng 6%. Giữ nguyên chỉ tiêu tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động.
Một vấn đề lớn cũng được đặt ra là tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) khi mà năm 2013, năm bản lề của kế hoạch đã không hoàn thành mục tiêu tăng trưởng. Báo cáo mới đây của Chính phủ cho thấy, trong số 20 chỉ tiêu đề ra dự kiến chỉ có 11 chỉ tiêu đạt kế hoạch, 6 chỉ tiêu khó đạt và 3 chỉ tiêu chưa thu nhập đủ số liệu để đánh giá.
Nhóm chỉ tiêu đạt kế hoạch nổi bật có tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu, tỷ lệ bội chi ngân sách, nợ công trên GDP, chỉ số giá tiêu dùng. Còn các chỉ tiêu không đạt vẫn rơi vào nhóm tăng trưởng kinh tế, tỷ trọng đầu tư trên GDP, tăng năng suất lao động, tỷ lệ huy động ngân sách trên GDP. Trước vấn đề trên, trong một hội thảo do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức mới đây, có ý kiến đề xuất nên điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch 5 năm.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để đảm bảo mức tăng trưởng hợp lý trong năm tới, Chính phủ mới đây đã đề cập đến vấn đề nới trần bội chi. Cuối tháng 9, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh đã trình phương án phát hành thêm 285.000 tỷ đồng trái phiếu cho một số dự án quan trọng cấp bách. Động thái trên dẫn tới Chính phủ sẽ phải xin ý kiến nới trần bội chi ngân sách, sau khi câu chuyện "thắt chặt" đã được duy trì từ năm 2011 đến nay do hệ quả của gói kích cầu kinh tế cuối 2008, đầu 2009. Cứ 40.000 tỷ đồng tăng thêm từ chi ngân sách sẽ khiến bội chi tăng 1% GDP.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đánh giá tình hình thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội và nới trần bội chi sẽ là vấn đề "chủ chốt" trong các phiên thảo luận hay chất vấn tại kỳ họp này.
Theo chương trình kỳ họp, việc báo cáo về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013, phương án phân bổ ngân sách Trung ương và kế hoạch phát hành bổ sung trái phiếu sẽ được hai Bộ trưởng Tài chính và Kế hoạch & Đầu tư trình bày trong phiên họp sáng ngày thứ năm (24/10/2013). Báo cáo về đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế sẽ do Bộ trưởng Bùi Quang Vinh trình bày trước đó hai ngày, được truyền hình trực tiếp.
Ngoài ra, một vấn đề cũng thu hút nhiều sự chú ý tại kỳ họp cuối năm nay là nhân sự của Chính phủ. Cuối ngày làm việc 12/11, Quốc hội sẽ xem xét để xuất miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng với ông Nguyễn Thiện Nhân (đã được bổ nhiệm là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) và việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ với ông Vũ Đức Đam.
Quá trình bỏ phiếu về nội dung nhân sự sẽ tiến hành trong ngày tiếp theo. Sau khi việc miễn nhiệm được thông qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm hai Phó Thủ tướng mới. Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ tiến hành bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Phó Chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội.
Trong các dự án Luật, Nghị quyết đươc thông qua tại kỳ họp này, đáng chú ý có Luật đất đai sửa đổi, Luật việc làm, Nghị quyết về quy hoạch tổng thể thủy điện và dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Và như mọi kỳ họp, Quốc hội sẽ dành ra hai ngày rưỡi (từ chiều 19 đến 21/11) để các đại biểu chất vấn thành viên Chính phủ, được truyền hình, phát thanh trực tiếp.
Nguồn Vnexpress