Thứ Tư | 15/05/2013 14:24

Quốc hội dự kiến lấy phiếu tín nhiệm các chức danh vào 11/6 tới

Kết quả kiểm phiếu sẽ được công bố chiều 11/6 và đến ngày 12/6/2013, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.
Ngày 15/5/2013, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp và cho ý kiến về việc chuẩn bị các nội dung của kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII, dự kiến khai mạc ngày 20/5 và kết thúc ngày 21/6.

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận về một số vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế, công tác nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm đối với đối với các chức danh và một số dự thảo luật quan trong liên quan đến Hiến pháp, đất đai...

Đáng chú ý trong kỳ họp lần này, vào ngày 11/6/2013, Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghe báo cáo tổng hợp thảo luận ở Đoàn về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Sau đó, Quốc hội bầu Ban kiểm phiếu và tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với: Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và các thành viên khác của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các thành viên khác của Chính phủ; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước.

Chiều cùng ngày, Ban kiểm phiếu sẽ công bố ngay kết quả kiểm phiếu.

Ngày 12/6/2013, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Thảo luận về Chương trình kỳ họp dự kiến, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Quốc hội, bà Trương Thị Mai đề nghị việc lấy phiếu tín nhiệm phải được bố trí thảo luận ở đoàn chứ không thể ghi “nếu thấy cần thiết như dự kiến của Văn phòng Quốc hội”.

“Phải bố trí lịch làm việc để thấy tính nghiêm túc trong việc lấy phiếu tín nhiệm. Chương trình sẽ công khai trên toàn hệ thống thông tin đại chúng”, bà Mai đề xuất.

Tuy nhiên, bà Mai cũng tỏ ra lo lắng về các thông tin tuyên truyền lên quan đến lấy phiếu tín nhiệm bởi theo bà đây là vấn đề nhạy cảm, tế nhị.

Về Luật Đất đai sửa đổi, một số đại biểu thắc mắc khi thấy dự kiến chương trình kỳ họp lần này không có nội dung thông qua Luật Đất đai mặc dầu đã có thảo luận.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, theo kết luận của Bộ Chính trị là sẽ đưa Dự thảo Luật Đất đai ra thảo luận tại Quốc hội, có nghĩa là có thể sẽ thông qua nếu Quốc hội đồng thuận. Nếu kỳ họp có nhiều ý kiến khác nhau thì Quốc hội sẽ tiếp thu, chỉnh lý chứ không phải không thông qua.

“Chính phủ đã làm rất ráo riết Dự Luật này, tự nhiên lại không xếp trong chương trình là không hợp lý. Trường hợp bất khả kháng không thông qua thì phải có nghị quyết…”, ông Giàu phát biểu.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Uông Chu Lưu cũng cho rằng, cần đưa Luật Đất đai vào chương trình kỳ họp. Nếu kỳ họp này, đại biểu Quốc hội đồng thuận sẽ thông qua, nếu chưa nhất trí thì để sau khi thông qua Hiến pháp.

“Trong chương trình lần này phải đưa Luật Đất đai vào chương trình để Quốc hội thảo luận. Còn việc thông qua hay không phụ thuộc vào Quốc hội.”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng yêu cầu.

Về việc công khai thông tin một số lĩnh vực được xem là nhạy cảm như tài chính ngân sách hay lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn cho biết vấn đề nào công khai được thì phải công khai để nhân dân được biết. Thảo luận đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiết kiệm chống lãng phí không lý do gì không công khai.

Về lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đây là chủ trương đổi mới trong xây dựng hệ thống chính trị, thực hiện quyền giám sát của Quốc hội thay mặt nhân dân. Quan trọng nhất lần này là ở người được cử tri ủy quyền bỏ phiếu tín nhiệm.

“Làm sao người đại biểu phải công tâm, khách quan không bị tác động mà phải độc lập chính kiến thì việc lấy phiếu tín nhiệm mới được chính xác, hiệu quả”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Nguồn Thời báo ngân hàng


Sự kiện