Thứ Năm | 28/11/2013 09:26

Quốc hội đang xem xét thông qua Dự thảo sửa đổi Hiến pháp

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp trong sáng nay 28-11.
Quốc hội đang xem xét về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để sẽ biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 trong sáng nay 28-11.


Đầu phiên họp toàn thể sáng nay 28-11, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban (UB) Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Uông Chu Lưu trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi) và dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp.Cụ thể, về lời nói đầu của Hiến pháp trên cơ sở chắt lọc, lựa chọn ý tứ, từ ngữ để nêu bật được tinh thần nội dung của Hiến pháp và trên cơ sở ý kiến của nhân dân, ĐBQH, lời nói đầu của Hiến pháp đã được hoàn thiện, phản ánh được lịch sử hào hùng của dân tộc, những dấu mốc lịch sử quan trọng, những thành quả hào hùng của dân tộc. Lời nói đầu của Hiến pháp đã thể hiện ý chí quyết tâm của nhân dân ta thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng, kế thừa các bản Hiến pháp trước đây, xây dựng thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng văn minh. Về bản chất Nhà nước và nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước tại điều 2 của Dự thảo Hiến pháp, có ý kiến đề nghị quy định Nước CHXHCN Việt Nam là một nước dân chủ, do nhân dân làm chủ, đề nghị bổ sung khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nền tảng của quyền lực Nhà nước. UB dự thảo sửa đổi Hiến pháp nhận thấy quy định Nước CHXHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ đã thể hiện rõ bản chất dân chủ của Nhà nước ta. Điều 2 của Hiến pháp kế thừa các quy định của Hiến pháp 1992, thể hiện bản chất của Nhà nước đồng thời khẳng định nền tảng vững chắc của chính quyền nhân dân là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Đây là vấn đề đã được thể hiện trong Cương lĩnh và thực tiễn hoạt động. Còn đại đoàn kết toàn dân tộc là một trong những động lực rất quan trọng để xây dựng và bảo vệ đất nước, đã được thể hiện tại điều 5, điều 9 và nội dụng khác của dự thảo. Do đó đề nghị cho giữ nguyên điều 2 như dự thảo. Về Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và tổ chức Công đoàn Việt Nam tại điều 9 và điều 10. Theo ông Uông Chu Lưu, đa số ý kiến tán thành với dự thảo, tuy nhiên đề nghị nêu rõ vị trí, vai trò của MTTQ rõ hơn. UB dự thảo nhận thấy quy định tại khoản 1 điều 9 đã thể hiện một cách khái quát nhất về vị trí, vai trò quan trọng và chức năng cơ bản của MTTQ Việt Nam và là sự kế thừa Hiến pháp 1992. Tiếp thu ý kiến của đại biểu QH, Dự thảo đã bổ sung thể hiện rõ hơn vai trò đại diện bảo vệ hợp pháp quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân; tập hợp phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng bảo vệ tổ quốc. Đối với tổ chức Công đoàn, đa số đại biểu đề nghị giữ điều 10 về Công đoàn trong Dự thảo Hiến pháp. Có ý kiến đề nghị không quy định Công đoàn thực hiện nhiệm vụ tham gia thanh tra, kiểm tra vì Công đoàn không phải là cơ quan quản lý nhà nước. Có ý kiến đề nghị quy định chung theo hướng Công đoàn tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp không chỉ về những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động. UB dự thảo nhận thấy: Việc Công đoàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp đã được xác định trong Hiến pháp 1992 và Luật Công đoàn năm 2012 và đã có thực tiễn hoạt động nhiều năm qua.
Với tính chất của tổ chức chính trị xã hội, đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động, việc tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát của tổ chức Công đoàn tập trung thực hiện một số vấn đề liên quan đến chế độ chính sách pháp luật lao động hoặc liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động. Theo tinh thần này, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đề nghị QH cho giữ quy định về nội dung này như thể hiện tại điều 10 trong Dự thảo. Tiếp sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, Trưởng Ban Biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày toàn văn Dự thảo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (sửa đổi).

Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua toàn văn Dự thảo Hiến pháp trong sáng nay 28-11.

Nguồn Người Lao Động


Sự kiện