Đầu tư chứng khoán
Quốc hội cho phép phá sản ngân hàng yếu kém
→Ngân hàng phá sản được không?
Chiều ngày 20.10, Quốc hội đã tiến hành biểu quyết thông qua Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi. Với tỷ lệ 88,8% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi.
Theo luật sửa đổi, 5 Phương án cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD) đươc kiểm soát đặc biệt bao gồm: Phương án phục hồi; Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp; Phương án giải thể; Phương án chuyển giao bắt buộc; Phương án phá sản.
Một vấn đề được quan tâm của người dân là an toàn tiền gửi, luật sửa đổi quy định rằng phương án phá sản phải bao gồm phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Chính phủ quyết định chủ trương phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt. Trong vòng 30 ngày kể từ khi Chính phủ phê duyệt chủ trương phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt, Ban kiểm soát đặc biệt của Ngân hàng phải phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt, Bào hiểm tiền gửi Việt Nam xây dựng phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt để trình NHNN xem xét.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được chủ trương phá sản, NHNN có trách nhiệm xem xét, đánh giá tính khả thi của phương án, và trình Chính phủ phê duyệt phương án phá sản tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt.
Phương án phá sản bao gồm các nội dung tối thiểu sau đây: Đánh giá thực trạng và quá trình xử lý TCTD được kiểm soát đặc biệt được quyết định chủ trương phá sản; Đánh giá tác động của việc thực hiện phương án phá sản TCTD được kiểm soát đặc biệt đối với sự an toàn của hệ thống TCTD; Phương án chi trả tiền gửi của khách hàng là cá nhân; Lộ trình thực hiện và trách nhiệm triển khai phương án phá sản.
Luật sửa đổi này sẽ có hiệu lực từ 15.1.2018. Tuy nhiên, các ngân hàng đã được kiểm soát đặc biệt, đang thực hiện phương án xử lý và ngân hàng đã được mua lại giá 0 đồng trước đây, vẫn tiếp tục thực hiện theo phương án đã được phê duyệt.