Quốc hội cho phép nới trần nợ Chính phủ
Nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Đó là những con số được chốt tại nghị quyết về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020 vừa được Quốc hội thông qua sáng 9/11.
Đã vượt giới hạn
Nghị quyết nêu rõ yêu cầu bảo đảm an toàn nợ công với mục tiêu: nợ công hằng năm không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 54% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia dưới 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% so với tổng thu ngân sách Nhà nước hằng năm.
Tại báo cáo giải trình trước khi đại biểu bấm nút, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, nhiều ý kiến đề nghị, trong giai đoạn 2016-2020 không tăng trần nợ công vượt quá 65% GDP và cân nhắc nợ Chính phủ chỉ ở mức 53% GDP vì năm 2016 đã vượt giới hạn này, có thể ở mức 54-55% GDP.
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giải trình, đúng như ý kiến các vị đại biểu, nợ công giai đoạn 2011-2015 tăng nhanh, tốc độ tăng bình quân khoảng 18,4%/năm, gần chạm ngưỡng cho phép (65% GDP), không bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia.
Do vậy, giai đoạn 2016-2020, đề nghị Chính phủ kiểm soát chặt chẽ mức nợ công theo đúng nghị quyết của Quốc hội.
Đối với nợ Chính phủ, đầu năm nay đã vượt giới hạn quy định (50,3% GDP so với quy định là không quá 50%).
Theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dư nợ Chính phủ ở mức 53% GDP cho cả giai đoạn 5 năm là rất khó thực hiện do năm 2016 đã vượt giới hạn này (53,2% GDP).
Do vậy, vừa bảo đảm an ninh tài chính quốc gia, vừa bảo đảm mức hợp lý trong quá trình quản lý, xin tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, đề nghị Quốc hội cho phép nợ Chính phủ không quá 54% GDP.
Ưu tiên trả nợ
Bên cạnh nợ công, một số chỉ tiêu quan trọng khác cũng được Quốc hội quyết định.
Như, tổng thu ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 khoảng 6.864 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,65 lần so với giai đoạn 2011-2015; bảo đảm tỷ lệ huy động vào ngân sách Nhà nước không thấp hơn 23,5% GDP,
Tổng chi ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 8.025 nghìn tỷ đồng, trong đó, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển chiếm bình quân khoảng 25-26% tổng chi ngân sách Nhà nước; giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống dưới 64% tổng chi ngân sách Nhà nước. Ưu tiên đảm bảo chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia.
Tổng chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2016-2020 được Quốc hội cho phép tối đa khoảng 2.000 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, chi từ nguồn trái phiếu Chính phủ là 260 nghìn tỷ đồng, từ nguồn vốn ngoài nước là 300 nghìn tỷ đồng, từ nguồn bán bớt phần vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp là 250 nghìn tỷ đồng. 10% số này dự phòng chưa phân bổ để xử lý rủi ro về thu và các yêu cầu cấp bách về đầu tư trong điều hành.
Tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước cả giai đoạn 2016-2020 được chốt không quá 3,9% GDP, phấn đấu giảm mạnh bội chi ngân sách Nhà nước để đến năm 2020 không quá 3,5% GDP.
Phấn đấu tăng lương
Nghị quyết không chốt con số cụ thể nào về lương, nhưng báo cáo giải trình có một phần về tiền lương.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011-2015, ngân sách đã thực hiện một phần lộ trình cải cách tiền lương: điều chỉnh tăng tiền lương cơ sở 3 lần, 1 lần thực hiện phụ cấp công vụ 25%, 1 lần điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống).
Mức điều chỉnh này, theo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là cơ bản chưa thực hiện được mục tiêu đã đề ra.
Tuy nhiên, cơ quan giải trình cho rằng đây cũng thể hiện sự cố gắng rất lớn của Chính phủ trong việc thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong bối cảnh quy mô thu ngân sách tăng chậm, trong khi áp lực chi đầu tư phát triển, chi trả nợ và thực hiện các chính sách an sinh xã hội rất lớn.
Trong giai đoạn 2016-2020, để góp phần nâng cao đời sống cho người hưởng lương, trên cơ sở định hướng thu, chi ngân sách 5 năm, Chính phủ trình Quốc hội dự kiến bố trí nguồn để điều chỉnh mức lương cơ sở, lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bình quân khoảng 7%/năm.
Căn cứ tình hình thực tế, mức điều chỉnh cụ thể sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định trong dự toán ngân sách hằng năm, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết.
Tiếp thu ý kiến các vị đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, trong điều hành, cần căn cứ khả năng thu, phấn đấu điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp ưu đãi với mức tăng bình quân cao hơn so với mức Chính phủ trình.
Nguồn VnEconomy