Quảng Ninh đề xuất cơ chế đầu tư cho Vân Đồn, Móng Cái
Tuy nhiên, chính sách về đất đai, nhà ở trước mắt được đề nghị thí điểm áp dụng cho Vân Đồn. Ông Phạm Minh Chính, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho biết, đi kèm với đó là các tiêu chí xem xét cụ thể để sàng lọc, lựa chọn các nhà đầu tư thực sự có tiềm năng, hạn chế những yếu tố bất lợi.
“Vân Đồn có điều kiện tự nhiên thuận lợi, có cảng hàng không, vận tải, khá biệt lập, có nhiều điều kiện đặc thù, dễ thu hút nhà đầu tư. Nhiều tỷ phú trên thế giới muốn sở hữu các đảo đất nhỏ, trong khi Vân Đồn có nhiều đảo đất, điều kiện sinh thái phù hợp, hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Chính phân tích và cho rằng, vấn đề hiện nay là cơ chế chính sách, cơ chế quản lý để Vân Đồn có thể tận dụng tốt nhất các lợi thế này.
Không chỉ chính sách về đất đai, nhà ở, đề xuất thí điểm cho hai đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt còn kèm theo đề xuất chính sách ưu đãi thuế, như miễn 15 năm thuế thu nhập doanh nghiệp với dự án công nghệ cao, 20 năm với dự án dịch vụ; giảm 70% thuế thu nhập cá nhân phải nộp trong 15 năm cho người Việt Nam và người nước ngoài làm việc tại đây; miễn 100% thuế đối với các khoản thưởng hàng năm với lao động trình độ cao (tiến sĩ và tương đương, lao động kỹ thuật bậc 6…)...
So với mức miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất là 4 năm, hay mức giảm cao nhất là 50% với thuế thu nhập cá nhân, thì những ưu ái dành cho các nhà đầu tư vào hai khu hành chính - kinh tế đặc biệt trên vô cùng lớn và hầu hết đều vượt khung.
Trao đổi với chúng tôi, ông Chính khẳng định, lời giải cho các cơ chế vượt khung là đề xuất được thực hiện thí điểm. “Mục tiêu chính là tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, giảm sự can thiệp của chính quyền vào thị trường. Chính sách ưu đãi về thuế cũng theo hướng giảm thuế trực thu, tăng thuế gián thu và nuôi dưỡng nguồn thu”, ông Chính nói.
Đánh giá về hai khu hành chính - kinh tế Vân Đồn và Móng Cái hiện tại, ông Chính cho rằng, thể chế và bộ máy quản lý nhà nước của hai khu này còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với mô hình khu kinh tế. “Hiện có hai bộ máy quản lý là chính quyền hành chính và Ban quản lý Khu kinh tế trên cùng một địa bàn. Nhiều khi hai khu kinh tế cạnh tranh nhau…”, ông Chính nói về đề xuất mô hình ủy ban hành chính - kinh tế trực thuộc tỉnh, có quyền tự quản cao.
Đề xuất của Quảng Ninh đang nhận được đồng thuận của các bộ, ngành. Tuy nhiên, việc thí điểm hay cơ chế đặc biệt dành cho Vân Đồn và Móng Cái vẫn đang được các bộ, ngành cân nhắc. Bởi thực tế cho thấy, cơ chế thí điểm với đặc điểm là có thể thay đổi lại là nguyên nhân khiến các nhà đầu tư không an tâm quyết định đầu tư.
Nguồn Báo Đầu tư