Quảng Bình dẫn đầu cả nước về hiệu quả quản trị hành chính công
Chỉ số PAPI gồm sáu chỉ số nội dung chính: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công. Kết quả PAPI 2013 cho thấy, tỉnh Quảng Bình là địa phương duy nhất nằm trong nhóm tỉnh thành phố đạt điểm cao nhất ở cả sáu chỉ số nội dung, trong khi Bắc Giang lại thuộc về nhóm địa phương đạt điểm thấp nhất ở cả 6 chỉ số nội dung.
Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công là hai lĩnh vực được người dân có chung trải nghiệm, ít chênh lệch ở kết quả đánh giá. Kiểm soát tham nhũng là lĩnh vực người dân có trải nghiệm rất khác nhau - một số cho rằng họ hầu như không bị ảnh hưởng bởi hành vi tham nhũng nào, song nhiều người lại cho rằng tham những là vấn đề tác động lớn đến họ.
Theo PAPI, phụ nữ, người nghèo, dân tộc thiểu số và những ai không có người thân hay quan hệ đặc biệt với cơ quan nhà nước đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công thấp hơn.
Tiếp cận dịch vụ công không còn là mối quan tâm chính của người sử dụng, họ đòi hỏi chất lượng dịch vụ công tốt hơn phù hợp với trình độ phát triển của xã hội.
Từ kết quả PAPI 2013, năm vấn đề kinh tế-xã hội được người dân cho là đáng quan ngại nhất gồm ô nhiễm môi trường, tai nạn giao thông, tệ nạn ma túy, an toàn vệ sinh thực phẩm và tham nhũng.
Về kết quả khảo sát PAPI qua ba năm (2011 - 2013), PGS.TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES), ghi nhận hai điều đáng mừng là tính ổn định và nhất quán của bộ chỉ số và người dân dường như hài lòng hơn với hiệu quả quản trị và hành chính công ở địa phương. Song ông Dinh cũng lưu lý: "Mức độ gia tăng này còn rất nhỏ, chưa đáng kể về mặt thống kê, nghĩa chưa vượt qua mức +5%. Chúng ta hy vọng mức gia tăng đáng kể hơn trong những năm tới khi các địa phương có những giải pháp cụ thể nhằm cải thiện mức độ hài lòng của người dân".
Chỉ số PAPI là nguồn dữ liệu để các cấp, ngành ở trung ương và địa phương sử dụng nhằm theo dõi quá trình thực thi chính sách, từ đó đưa ra những biện pháp cải thiện kịp thời. Cho tới nay, hơn 22 tỉnh/thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo hoặc có những hành động cụ thể để cải thiện Chỉ số PAPI. Tính đến 2013, chính quyền các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Cà Mau, Đăk Lăk, Đăk Nông, Đồng Tháp, Kon Tum, Quảng Ngãi và Thái Nguyên đã ban hành văn bản chỉ đạo cấp tỉnh nhằm cải thiện những điểm yếu dựa trên phát hiện của PAPI.
Theo đó, những thách thức và cơ hội chính đối với các cấp chính quyền từ trung ương tới địa phương nhằm bắt kịp tốc độ phát triển của xã hội và mong đợi ngày càng cao của người dân về tăng trường nhận thức về thực hiện các quyền và nghĩa vụ dân chủ cơ sở, tham gia tích cực và hiệu quả vào đời sống chính trị, tăng cường tương tác trực tiếp và có hiệu quả giữa chính quyền với người dân, phòng chống tham nhũng, cải thiện chất lượng và đảm bảo công bằng trong cung ứng dịch vụ công.
Đây là năm thứ 3 liên tiếp PAPI được thực hiện trên quy mô toàn quốc và đã trở thành bộ chỉ số đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh lớn nhất ở Việt Nam. Trong đó, người dân đóng vai trò là chủ thể của hoạt động theo dõi và giám sát hiệu quả ở cấp tỉnh.
Kể từ khi bắt đầu thực hiện thí điểm năm 2009, gần 50.000 người dân đã tham gia chia sẻ trải nghiệm thực tế của họ về hiệu quả công tác điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách pháp luật và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền từ cấp tỉnh/thành phố đến cấp xã/phường.
TS. Pratibha Mehta, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc tại Việt Nam, cho rằng đây là một chương "đặc biệt và mới mẻ của Báo cáo Chỉ số PAPI 2013". Báo cáo chỉ ra những yếu tố tác động tới vấn đề bình đẳng trong thụ hưởng hiệu quả quản trị và hành chính công, TS Mehta phát biểu.
Nguồn Dân Việt