Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ vì chính sách ưu đãi thuế mà còn vì môi trường hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Ảnh: shutterstock.com

 
Nguyễn Mai Thứ Tư | 08/01/2025 07:30

Quản trị đổi mới

Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ vì chính sách ưu đãi thuế mà còn vì môi trường hỗ trợ đổi mới sáng tạo.

Doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu, nếu như không có những thay đổi về mô hình quản trị thì có thể rơi vào “bẫy giá trị gia tăng thấp”...

Tập đoàn PAN đã nghiên cứu ra những giống lúa chịu mặn, chịu ngập, chịu nóng và cứng cáp, có thể sống sót qua bão gió. Giống lúa này trở thành một trong những động lực mang lại giá trị hơn 2.000 tỉ đồng cho nông dân trong năm 2024. Nói về giống lúa này, bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN, cũng so sánh với tầm quan trọng của quản trị công ty là đổi mới sáng tạo và quản trị rủi ro. Bởi vì, thế giới đang thay đổi rất nhanh, các rủi ro địa chính trị và sự phát triển nhanh về công nghệ đã làm cho mọi thứ trở nên khó đoán định. “Tập đoàn PAN có 11.000 nhân viên với hơn 10 công ty thành viên, đa phần là công ty niêm yết, do đó bài toán khó của chúng tôi là quản trị”, bà My nói.

Các doanh nghiệp như PAN đang nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị và coi đây là chìa khóa để tạo ra tăng trưởng thông qua tạo dựng niềm tin đối với nhà đầu tư, đặc biệt là trong bối cảnh các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị ngày càng được chú trọng. Điều này không chỉ giúp họ nâng cao giá trị mà còn tạo ra một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và thu hút các nguồn vốn bền vững từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Dẫn dữ liệu của Tổng cục Thống kê, báo cáo Economica Việt Nam cho thấy, cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, nhưng chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp thực sự tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm 0,001% tổng doanh nghiệp trên cả nước. Sau gần 40 năm phát triển doanh nghiệp, tỉ lệ này thực sự rất thấp, vẫn chưa có được một thế hệ doanh nghiệp ngang tầm thế giới. Trong số 50 doanh nghiệp lớn nhất Đông Nam Á theo bảng xếp hạng của Fortune 2024, Việt Nam chỉ có 5 doanh nghiệp. Vingroup là doanh nghiệp lớn của Việt Nam nhưng cũng chỉ đứng ở vị trí 43.

Năng lực hạn chế của các doanh nghiệp tư nhân sẽ ảnh hưởng tới khả năng cải thiện năng suất và gia tăng quy mô để cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ trong chuỗi giá trị toàn cầu, nếu như không có những thay đổi thì có thể rơi vào “bẫy giá trị gia tăng thấp” cũng như tụt hậu trong cạnh tranh.

Về vấn đề này, ông Michael Kokalari, Kinh tế trưởng của Công ty Quản lý Quỹ VinaCapital, dự báo, chính sách thương mại của chính quyền Donald Trump sẽ tác động đến các quốc gia và nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. “Quản trị vững mạnh không chỉ giúp duy trì sự ổn định trong môi trường kinh tế đầy biến động mà còn tạo nền tảng để doanh nghiệp phát triển bền vững trong dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển mình mạnh mẽ trong thế giới toàn cầu hóa”, lãnh đạo của VinaCapital cho biết.

Đây là yêu cầu được đặt ra khi doanh nghiệp Việt Nam đang có những biến chuyển về quy mô, thị trường và cạnh tranh quốc tế ngày càng cao. Theo ông Vũ Quang Thịnh, Giám đốc Điều hành Công ty Quản lý Quỹ Dynam Capital, trong 20 năm qua, các nhà đầu tư trên thế giới đã nói về quản trị rất nhiều, thay vì tập trung nhiều vào lợi nhuận. Nếu trước đây, họ chỉ quan tâm tài chính, lợi nhuận... thì nay quan tâm nhiều hơn vào việc đầu tư có trách nhiệm.
 
Tuy nhiên, theo Viện Thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD), mặt bằng quản trị công ty nói chung và quản trị công ty gắn với ESG của Việt Nam đang ở cấp độ thấp nhất trong 6 nước ASEAN. Trong khi đó, theo McKinsey, các công ty có chất lượng quản trị tốt sẽ được định giá cao hơn 10-20% và có chi phí vốn thấp hơn 10-15% khi gọi vốn.

Do đó, quản trị công ty tốt là điều kiện sống còn của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp Việt tăng tốc đầu tư ở nước ngoài như các thương hiệu dẫn đầu gồm Viettel Global, Vinamilk, Thế Giới Di Động, FPT, VinFast hay Masan... Sau gần 40 năm đổi mới, hơn lúc nào hết, Việt Nam cần có những doanh nghiệp đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Shinhan Việt Nam, đã có các doanh nghiệp niêm yết thu hút rất nhiều quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu như Vinamilk thu hút được 300 quỹ nước ngoài đầu tư, trong đó có đến 126 quỹ ESG. “Hiện có khoảng 140.000 tỉ USD đang chảy vào các quỹ đầu tư ESG trên toàn cầu. Con số này gấp 5 lần GDP của Mỹ. Đây là lượng vốn khổng lồ và có thể làm thay đổi bức tranh của một ngành”, ông Nguyễn Thành Long, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ HD (HDCapital), nhận định.

Việt Nam đang thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ vì chính sách ưu đãi thuế mà còn vì môi trường hỗ trợ đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số, xu hướng phát triển bền vững và các biến động từ thị trường quốc tế đã và đang thúc đẩy doanh nghiệp phải đổi mới về mô hình quản trị. Như một con đường tất yếu, doanh nghiệp Việt Nam dịch chuyển theo các nguyên tắc quản trị cân bằng 3P - hiệu quả trong bảo vệ và gia tăng vốn, tạo tác động tích cực tới môi trường và tạo dựng giá trị xã hội cao hơn.

Cũng như với giống lúa có thể sóng sót qua bão táp, lãnh đạo Tập đoàn PAN nhìn nhận thay đổi không chỉ là thách thức mà đây chính là cơ hội để doanh nghiệp phát triển. “Bí quyết để quản trị tốt và phát triển bền vững trong một thế giới biến động là sở hữu một hội đồng quản trị đa dạng, hiệu quả, với nỗ lực đổi mới không ngừng nghỉ”, CEO của PAN cho biết.