Ảnh: phapluatvietnam

 
Minh Anh Thứ Tư | 26/08/2020 10:00

"Quán quân" ngành bảo hiểm mùa dịch

Các doanh nghiệp ngành bảo hiểm đã phải vật lộn với nhiều chiến lược kinh doanh khác nhau để “kích cầu” trong mùa dịch.

Mặc dù gặp khó khăn vì bị ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng hầu hết các công ty trong lĩnh vực bảo hiểm đều có doanh thu tăng trưởng trong 6 tháng vừa qua. Nhìn nhận tình hình kinh doanh nửa cuối năm, nhiều doanh nghiệp lại tin tưởng vào sự sáng sủa của thị trường.

PTI  tăng trưởng ổn định nhất 

Tính đến thời điểm hiện tại, 6 tháng đầu năm, quán quân tăng trưởng lợi nhuận ngành bảo hiểm chính là Tổng Công ty bảo hiểm Bưu điện (PTI). Tính riêng quý II, Công ty PTI đạt 1.176 tỉ đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh, tăng 18% so với quý II/2019. Tuy nhiên nhờ hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư ngắn hạn nên lợi nhuận sau thuế cả quý thu về 69,3 tỉ đồng, trong khi quý II năm ngoái lỗ hơn 10 tỉ đồng. Tính chung 6 tháng đầu năm 2020 PTI đạt 117 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, gấp 4,2 lần cùng kỳ năm 2020.

Chia sẻ về thị trường Bảo hiểm trong 2020, theo ông Đoàn Kiên, Phó tổng giám đốc PTI, 6 tháng đầu năm 2020, thị trường bảo hiểm chịu ảnh hưởng rất nhiều từ đại dịch COVID-19, tuy nhiên vì năm 2020 là năm kế thừa của 2019 nên tôi cho rằng xu thế phát triển chung của thị trường vẫn sẽ là tăng trưởng ở mức hai con số. Cơ sở cho nhận định này là thị trường bảo hiểm ở Việt Nam vẫn rất tiềm năng.

Cũng theo ông Kiên, Công ty đã phải thay đổi chiến lược trong trạng thái bình thường mới để phù hợp với tình hình của thị trường. “Trước đây, PTI tập trung chủ lực cho sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới. Tuy nhiên, sau đại dịch COVID-19, chúng tôi đánh giá xu hướng của thị trường sẽ nghiêng về tập trung phát triển các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe cho người dân".

Trong 2 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng của sản phẩm bảo hiểm con người luôn cao gấp đôi so với bảo hiểm xe cơ giới. Với dân số 97 triệu người ở Việt Nam hiện nay sẽ là địa hạt để các doanh nghiệp bảo hiểm tập trung nguồn lực để đầu tư, nghiên cứu và đưa ra những sản phẩm mới mẻ, đáp ứng được yêu cầu của người dân, ông Kiên chia sẻ.

Nguồn ảnh: tapchitaichihh
Nguồn ảnh: tapchitaichihh

Nhiều doanh nghiệp tìm giải pháp vượt khó

Bên cạnh những doanh nghiệp có lợi nhuận thì cũng nhiều doanh nghiệp vẫn đang thua lỗ như PVI với tổng lãi 6 tháng đạt 452 tỉ đồng, giảm sút 4%. Còn Tổng Công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam ghi nhận lãi sau thuế 142 tỉ đồng, giảm 16%. Doanh nghiệp có lợi nhuận giảm sút mạnh nhất là Bảo Long với 48 tỉ đồng tiền lãi, giảm 31%. Ngoài ra MIG cũng có lợi nhuận 6 tháng giảm 10% xuống còn 79 tỉ đồng.

Thị trường 6 tháng cuối năm được cho là vẫn ảnh hưởng từ dịch bệnh nhưng theo số liệu của Tổng Cục thống kê, quý I/2020, hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt mức tăng cao, ước tính tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực nhân thọ tăng 21%, lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 8%.

Trong nghiên cứu của mình, Vietnam Report cũng đưa ra những nhận định về ngành Bảo hiểm, tình hình tăng trưởng và những thay đổi để thích ứng trong bối cảnh “bình thường mới”. Tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 160.180 tỉ đồng, tăng 20,54%, trong đó, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 52.387 tỉ đồng và doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 107.793 tỉ đồng.

 

Các doanh nghiệp bảo hiểm đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 44.006 tỉ đồng. Mặc dù vậy, thị trường bảo hiểm Việt Nam được dự báo tiếp tục giữ vững “phong độ” tăng trưởng trên 20% trong năm 2020. Xét trong ngắn hạn, khảo sát các doanh nghiệp bảo hiểm do Vietnam Report thực hiện tháng 6.2020 chỉ ra có đến 90,5% số doanh nghiệp lạc quan về triển vọng toàn ngành bảo hiểm trong 6 tháng cuối năm 2020.

Nhìn nhận tình hình ngành bảo hiểm 6 tháng cuối năm sẽ chịu nhiều tác động, các doanh nghiệp đã thay đổi chiến lược kinh doanh để duy trì và tăng tốc vào cuối năm.

Trước bối cảnh giảm thiểu tiếp xúc xã hội, công ty Bảo Việt chuẩn bị ra mắt nền tảng kỹ thuật số như: Website  thương mại điện tử, shop bán hàng trực tuyến, hệ thống Bảo Việt Digital… 

Theo đại diện Bảo hiểm PTI, hiện công ty đang đẩy mạnh hợp tác với các đối tác như các gara, showroom xe hơi, ngân hàng…để tăng sản lượng bán hàng. Đồng thời ký kết một số hợp đồng bảo hiểm công trình lớn, tuy vậy, rủi ro về dịch COVID-19 quay trở lại đang đe dọa đến đà tăng trưởng của nghiệp vụ này. Hiện công ty cũng cân nhắc đến việc cắt giảm chi phí quản lý nhằm đảm bảo hiệu quả ở mức tối thiểu.

Đối phó với khó khăn, Bảo hiểm VNI, Bảo hiểm Bảo Minh và Mobifone đã ký kết hợp đồng bảo hiểm sức khỏe toàn diện. Theo đó, VNI và Bảo Minh sẽ cung cấp chương trình bảo hiểm sức khỏe cho gần 4.000 cán bộ nhân viên của Mobifone từ năm 2020 đến 2022. 

 

Đại diện Bảo hiểm VNI cũng cho biết, VNI tiếp tục mở mới các đơn vị thành viên, hợp tác với nhiều kênh bán qua ngân hàng, trạm đăng kiểm, showroom, môi giới...tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý như ứng dụng e-office, giám định bồi thường online (My VNI), thực hiện hóa đơn và giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử nhằm tiếp cận khách hàng, tăng trưởng doanh thu.

Có thể  bạn quan tâm:

Bảo hiểm nhân thọ: Hợp đồng 700 tỉ USD