Chủ Nhật | 20/01/2013 07:55

Quản lý vàng miếng nhìn từ thế giới

Tại Ấn Độ, giao dịch vàng diễn ra ở thị trường bán lẻ phân tán khắp cả nước với trên 100.000 thợ kim hoàn và hơn 1 triệu cửa hàng bán lẻ.
Trên thế giới có một số nước cũng từng trải qua thời gian dài kiểm soát rất chặt thị trường vàng. Dưới đây là trao đổi của Tiến sĩ Hoàng Công Gia Khánh, Trưởng khoa Tài chính ngân hàng Trường ĐH Kinh tế-Luật về vấn đề này.

Vàng được chia thành nhiều loại

Thưa ông, nguyên tắc chung trong quản lý vàng miếng trên thế giới thế nào?

Theo nguyên tắc chung trong quản lý vàng và kinh nghiệm ở hầu hết các nước phát triển như Mỹ, Australia, Canada, Nhật Bản… đều đã tự do hóa thị trường vàng từ rất lâu. Thị trường vàng ở các nước này hoạt động theo các chuẩn mực rõ ràng, chủ yếu giao dịch các chứng chỉ vàng thông qua sàn giao dịch tập trung. Việc giao dịch vàng không qua sàn giao dịch (OTC) vẫn còn diễn ra sôi động ở Anh, Thụy Sĩ giữa các nhà bán buôn. Các giao dịch này được tổ chức rất quy củ, minh bạch và chủ yếu liên quan đến vàng lưu kho tại London thông qua thay đổi sở hữu vàng của các bên liên quan tại kho vàng này.

Vậy các quỹ tài chính ứng xử thế nào về vàng, thưa ông?

Vì vai trò đặc biệt của vàng, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chia vàng ra làm hai loại: vàng tài chính là vàng được sử dụng như tài sản tài chính và vàng hàng hóa là vàng được nắm giữ phục vụ cho mục đích sản xuất (trang sức, công nghệ), tồn kho hoặc cất trữ giá trị.

Trong đó vàng tài chính được IMF tiếp tục được chia làm hai nhóm: thứ nhất gồm vàng tiền tệ là vàng được nắm giữ bởi các cơ quan quản lý tiền tệ như một phần của dự trữ chính thức của quốc gia và các tổ chức quốc tế như IMF, BIS; thứ hai vàng phi tiền tệ là vàng được nắm giữ bởi các tổ chức tài chính trung gian, các nhà kinh doanh vàng cho mục đích kinh doanh, đầu tư. Và theo IMF, vàng phi tiền tệ phải được đối xử bình thường như với bất kỳ hàng hóa nào khác trong nền kinh tế (IMF, 2006).

Nhưng với các nước trong khu vực châu Á có truyền thống cất trữ vàng vật chất thì sao, thưa ông?

Một số các nước Trung Đông, châu Á mà dân chúng vốn có truyền thống cất trữ vàng cũng đã tổ chức rất thành công giao dịch vàng qua sàn giao dịch tập trung. Và sàn này bao gồm cả vàng vật chất và vàng tài khoản. Cụ thể như Ả Rập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Hong Kong.

Ấn Độ và Trung Quốc vốn là hai thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới, chiếm hơn 42% nhu cầu vàng trên thế giới.

Thị trường vật chất tồn tại chung với phi vật chất

Cụ thể việc tổ chức quản lý vàng ở một số nước này thế nào thưa ông?

Chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc vốn là hai thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới, chiếm hơn 42% nhu cầu vàng trên thế giới. Đồng thời đây cũng là hai quốc gia đã từng trải qua thời gian dài kiểm soát rất chặt thị trường vàng trong quá khứ nhưng sau đó phải tiến hành cải cách thị trường vàng theo hướng tự do hóa và họ đã đạt được các thành công đáng kể.

Tại Ấn Độ, với 90% lượng vàng tiêu thụ phải nhập khẩu. Đất nước này phải đối mặt với thách thức không nhỏ trong việc kiểm soát vàng nhập khẩu để giảm thâm hụt cán cân thanh toán. Từ những năm 1963 đến 1964, Ấn Độ đã kiểm soát rất chặt thị trường vàng, cấm nhập khẩu vàng…

Tuy nhiên, trong suốt hàng chục năm sau đó mặc dù việc nhập khẩu vàng phi chính thức diễn ra trầm trọng nhưng giá vàng trong nước vẫn cao hơn từ 20% đến 50% so với giá vàng quốc tế. Tháng 6/1990, Ấn Độ thừa nhận sự thất bại trong chính sách quản lý vàng chặt chẽ khi bãi bỏ luật quản lý vàng 1963. Ba năm sau đó bãi bỏ luật điều tiết ngoại hối 1964. Các hạn chế sở hữu tư nhân về vàng đã giảm đi, các thương nhân kinh doanh vàng không còn phải xin giấy phép, cho phép nhập khẩu vàng nhằm gia tăng tỉ trọng nhập khẩu vàng chính thức (giảm nhập lậu), tăng thu ngân sách thông qua việc thu được thuế nhập khẩu vàng, kích thích sản xuất nữ trang xuất khẩu, phát triển ngành sản xuất vàng và chế tác trang sức, khuyến khích tái chế vàng trang sức trong nước.

Sau đó chính phủ Ấn Độ cũng đã đưa ra các tiêu chí cụ thể để xác định ngân hàng nào đủ điều kiện được cấp phép nhập khẩu vàng. Các tổ chức này được phép mua bán vàng trong nước và quốc tế không giới hạn. Ngoài ra, họ còn được phép cung cấp các sản phẩm tiết kiệm và cho vay liên quan đến vàng.

Giai đoạn từ 1998 đến 1999, Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (ngân hàng trung ương) cho phép các ngân hàng thương mại trả lãi tiền gửi vàng vật chất, phát hành các chứng chỉ vàng và các chứng chỉ này được phép chuyển nhượng, giao dịch trên thị trường thứ cấp với mục tiêu phát triển thị trường chứng chỉ vàng. Tuy nhiên, việc triển khai đã thất bại khi sau 12 tháng triển khai chỉ huy động được tám tấn vàng so với 100 tấn theo kế hoạch. Điều này cho thấy dân chúng vẫn thích nắm giữ vàng vật chất hơn là chứng chỉ vàng.

Bởi vậy từ năm 2003, Ấn Độ cho phép các ngân hàng giao dịch hợp đồng vàng kỳ hạn trong nước hoặc quốc tế nhưng không được phép giao dịch với các tổ chức phi ngân hàng. Đến cuối năm 2011, có bốn sở giao dịch quốc gia thực hiện giao dịch vàng. Các sản phẩm phái sinh vàng được cho phép giao dịch từ năm 2006 và cho đến nay sản phẩm thông dụng nhất trong số các sản phẩm phái sinh vàng là ETF vàng.

Đến đầu năm 2012, ở Ấn Độ đã có 30 ngân hàng bao gồm cả ngân hàng nhà nước, ngân hàng tư nhân và ngân hàng nước ngoài được phép nhập khẩu vàng, bạc để bán tại thị trường trong nước.

Nghĩa là hiện nay họ có cả hai thị trường vật chất và phi vật chất?

Đúng vậy, thị trường bán lẻ vàng thoi OTC diễn ra phổ biến rộng rãi giữa nhà đầu tư với các tổ chức kinh doanh vàng. Nhưng Ấn Độ không bắt buộc giao dịch vàng thoi phải diễn ra tại các sàn giao dịch mà có thể thực hiện ở thị trường bán lẻ phân tán khắp cả nước với trên 100.000 thợ kim hoàn và hơn 1 triệu cửa hàng bán lẻ.

Ngân hàng trung ương không đụng đến nhập khẩu, sản xuất vàng

Còn mô hình quản lý vàng ở Trung Quốc thì sao thưa ông?

Nhu cầu vàng ở Trung Quốc đứng thứ hai trên thế giới sau Ấn Độ và chiếm khoảng 16% tổng cầu vàng trên thế giới. Mặc dù Trung Quốc là nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, đóng góp khoảng 13% tổng cung vàng trên thế giới nhưng nước này vẫn phải nhập khẩu vàng. Trước năm 2002, thị trường vàng tại Trung Quốc được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối bán lẻ. Giá vàng và hạn ngạch đã được quyết định bởi Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC) phối hợp với các cơ quan khác ở trung ương. PBOC cấp giấy xuất khẩu vàng và nhập khẩu vàng trang sức, mặt hàng này chịu mức thuế nhập khẩu 60% ở năm 1996, giảm so với mức 100% trước đó. Từ năm 1996, Trung Quốc đẩy nhanh quá trình cải cách, dần dần tự do hóa và sau đó đã bãi bỏ việc nhà nước độc quyền vàng, bãi bỏ hệ thống cấp phép bán lẻ, bán buôn, sản xuất và không còn kiểm soát giá vàng. Tháng 10-2002, Sàn giao dịch vàng Thượng Hải được thành lập để tổ chức giao dịch vàng thay thế cho PBOC.

Từ năm 2011 đến nay thị trường vàng của Trung Quốc diễn ra thế nào, thưa ông?

+ Kể từ khi mở cửa thị trường vàng và sau khi Sàn giao dịch Thượng Hải đi vào hoạt động, giá vàng tại Trung Quốc đã rất sát với giá vàng thế giới từ năm 2000. Từ năm 2006, Trung Quốc đã cho phép các ngân hàng thương mại giao dịch các sản phẩm đầu tư vàng với nhà đầu tư cá nhân. Cũng trong năm này, hệ thống giao dịch vàng thoi hai giá cũng đã được triển khai. Và đến năm 2007, các ngân hàng thương mại được phép giao dịch vàng thoi vật chất, được tham gia giao dịch tại Sàn giao dịch Thượng Hải, Sàn giao dịch hàng hóa giao sau Thượng Hải.

Về thị trường bán lẻ, Trung Quốc chỉ được phép bán vàng trang sức qua các cửa hàng bán lẻ trang sức vốn chịu sự quản lý của chi nhánh PBOC tại địa phương. Tất cả giao dịch vàng thoi đều phải được thực hiện thông qua Sàn giao dịch vàng Thượng Hải.

Như vậy cả Trung Quốc và Ấn Độ cũng đã từng trải qua giai đoạn kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu vàng, độc quyền sản xuất vàng, độc quyền phân phối và kinh doanh vàng nhưng đã không đạt được thành công mong đợi, thưa ông?

Ấn Độ và Trung Quốc vốn là hai thị trường tiêu thụ vàng vật chất lớn nhất thế giới, chiếm hơn 42% nhu cầu vàng trên thế giới. Hai quốc gia đã từng trải qua thời gian dài kiểm soát rất chặt thị trường vàng trong quá khứ nhưng sau đó phải tiến hành cải cách thị trường vàng theo hướng tự do hóa.

Đúng vậy, sau cải cách, cơ quan nhà nước vẫn quản lý sản xuất, bán buôn, bán lẻ vàng nhưng đều được thực hiện theo cơ chế minh bạch và hoàn toàn không có sự độc quyền dù là độc quyền nhà nước hay tư nhân. Việc quản lý nhập khẩu vàng được thực hiện một cách linh hoạt trên cơ sở xử lý hài hòa giữa trạng thái cán cân thanh toán và tình trạng nhập lậu. Ngân hàng trung ương hoàn toàn không tham gia trực tiếp vào hoạt động nhập khẩu, sản xuất. Chính sách quản lý được thực hiện theo nguyên tắc thị trường, thông thoáng nhằm tạo được sự liên thông thị trường trong nước với thị trường nước ngoài khi đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện.

Các quốc gia này cũng đã quản lý chặt chẽ chất lượng vàng kể cả vàng thoi và vàng trang sức, đồng thời xem xét để cấp phép giao dịch các sản phẩm vàng thoi theo tiêu chuẩn quốc tế được sản xuất bởi các nhà sản xuất có uy tín theo danh sách công bố của Hiệp hội Vàng thoi London. Ngoài ra, các nước này cũng đã tổ chức nhiều sàn giao dịch vàng với cơ chế tổ chức theo thông lệ quốc tế với một số điều chỉnh để tương thích với đặc trưng của thị trường trong nước.

Nguồn Pháp luật TPHCM


Sự kiện