Quản lý vàng đang vào thế "kẹt"?
Không thể vì vàng mà hy sinh ngoại tệ
Theo chuyên gia tài chính - TS Phạm Đỗ Chí, tính đến nay Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bán ra khoảng 14 tấn vàng nhưng chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục gia tăng vì người dân và các ngân hàng thương mại tiếp tục mua vào. Điều đó cho thấy NHNN đang đứng trước thế "kẹt" trong quản lý vàng.
"Nếu ngưng đấu thầu thì vàng nội sẽ tiếp tục tăng mạnh và thị trường thêm hỗn loạn. Còn tiếp tục bán vàng dự trữ ngoại hối thì nguồn vàng cạn dần. Và nếu NHNN đem ngoại tệ để nhập khẩu vàng mới về bán thì tiêu hao dự trữ ngoại hối" - ông Chí nói.
Thế nhưng không thể vì vàng mà hy sinh ngoại tệ, bởi theo chuyên gia tài chính - TS Huỳnh Bửu Sơn, ngay cả khi giá vàng trong nước ngang bằng với giá thế giới thì đây cũng không phải là mục đích quan trọng nhất cần hướng tới. Theo chuyên gia nỳ, khi xây dựng chính sách quản lý về vàng cũng phải lưu ý đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.
Vấn đề khơi thông nguồn lực vàng trong dân được nhiều chuyên gia lưu ý, cho rằng với số lượng 500 tấn vàng trong dân nếu khơi thông ra thị trường là quá đủ cung. TS Đặng Đức Thành cho biết vấn đề là làm sao để biến 500 tấn vàng đó trở thành nguồn vốn phát triển kinh tế nhưng phải an toàn.
Vẫn nên lập sàn vàng quốc gia
Liên quan đến đề nghị trên, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TPHCM, cho biết theo đánh giá của NHNN thì việc này trước mắt là bất lợi. Bên cạnh đó, chưa xác định được mục đích sử dụng vàng huy động này và tỉ lệ sinh lời rất thấp, thậm chí còn lỗ, chưa kể các rủi ro về thanh khoản vàng.
Tuy nhiên, chuyên gia Huỳnh Bửu Sơn vẫn cho rằng để thuyết phục người dân gửi vàng thì khi rút ra họ phải được lấy bằng tiền đồng tương đương với giá vàng tại thời điểm đó. Còn gửi vàng mà rút ra bằng vàng rất rủi ro.
Để giải quyết các vấn đề trên, TS Phạm Đỗ Chí đưa ý kiến nên lập một sàn vàng quốc gia, từ đó tăng mức cung thị trường và làm biến mất chênh lệch giá vàng. Và NHNN có thể thực hiện các chính sách tiền tệ qua việc điều tiết sàn vàng và Chính phủ có thể thu thuế.
Đồng tình quan điểm này, theo ông Trần Thanh Hải, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh và Đầu tư Vàng Việt Nam, nếu lo ngại rủi ro khi giá vàng biến động thì có thể nâng tỉ lệ ký quỹ. Trong đợt giá vàng thế giới biến động mạnh vừa qua, các sàn quốc tế cũng đã thực hiện như vậy.
"Giải pháp này không cần tốn đến hàng chục triệu USD để mua vàng. Bởi khi sàn vàng chạy đều vài năm thì các tổ chức có thể cơ cấu danh mục đầu tư và dòng tiền sẽ đi vào nền kinh tế. Chừng 3-5 năm thì không ai mua vàng vật chất làm gì" - ông Hải khẳng định.
Nguồn Pháp luật TPHCM