Quá trình thoái vốn của Sacombank tại SBS
Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Chứng khoán Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (SBS) ra đời vào cuối tháng 9/2006 với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trực thuộc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương tín (Sacombank – mã STB). Thời điểm này, SBS được phép thực hiện các nghiệp vụ kinh doanh như môi giới, tự doanh, lưu ký, quản lý danh mục đầu tư, bảo lãnh phát hành, tư vấn tài chính và đầu tư chứng khoán.
Năm đầu tiên, doanh thu của công ty tập trung chủ yếu ở mảng tự doanh chứng khoán. Doanh thu thuần của công ty trong năm đầu tiên đạt 10,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 4,8 tỷ đồng.
Chưa đầy một năm sau khi thành lập (tháng 8/2007), bằng cách góp bổ sung 800 tỷ đồng, SBS tăng vốn gấp 3 lần, lên 1.100 tỷ đồng, trở thành công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam vào thờiđiểm đó.
Cũng trong năm 2007, doanh thu thuần SBS đạt 279 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 163,5 tỷ đồng. Năm 2008, với nguồn vốn lớn được bổ sung thêm nhưng kết quả kinh doanh của SBS lại giảm mạnh. Doanh thu chỉ tăng 30% so với cùng kỳ năm trước, đạt 406 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 31 tỷ đồng, chưa bằng 1/5 cùng kỳ.
Cổ phần hóa, Ngân hàng mẹ nắm giữ 81,2% vốn
SBS chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 1.100 tỷ đồng kể từ tháng 1/2010. Việc phát hành cổ phần để chuyển đổi hình thức hoạt động của công ty mang lại 300 tỷ đồng cho ngân hàng mẹ Sacombank. Theo đó, Sacombank đã thực hiện chào bán riêng lẻ 18,8% phần vốn SBS đang nắm giữ cho cán bộ chủ chốt (8,8% vốn) và đối tác chiến lược (10% vốn).
Theo cơ cấu cổ đông của SBS chốt tại ngày 14/4/2010, Sacombank đã giảm nắm giữ xuống còn 71,42 triệu cổ phiếu (64,93% vốn).
Theo báo cáo tài chính kiểm toán 2009, doanh thu của công ty đạt 770 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 254 tỷ đồng, gấp 8 lần năm trước.
Tỷ lệ sở hữu của Ngân hàng mẹ giảm qua 2 lần tăng vốn
Đầu tháng 7/2010, SBS chính thức niêm yết 110 triệu cổ phiếu trên HSX giá tham chiếu 38.000 đồng/cổ phiếu, trở thành công ty chứng khoán thứ ba tại HSX.
Qua tháng 8, SBS đã hoàn thành việc phát hành 2,85 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược với giá 35.000 đồng/cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 1.128,5 tỷ đồng. Sau phát hành, mặc dù khối lượng cổ phần SBS mà Ngân hàng mẹ Sacombank nắm giữ không thay đổi (71,42 triệu cổ phiếu) nhưng tỷ lệ vốn sở hữu đã giảm xuống .
Cũng trong năm 2010, SBS còn thực hiện phát hành 13,81 triệu cổ phiếu để chào bán cho cổ đông hiện hữu (trừ Ngân hàng mẹ Sacombank) và cán bộ nhân viên với giá 15.000 đồng/cổ phiếu. Vốn điều lệ SBS theo đó tăng lên 1.266,6 tỷ đồng; tỷ lệ sở hữu của Sacombank vào cuối năm 2010 là 56,4%.
Như vậy, trong vòng chưa tới 5 năm, vốn điều lệ của SBS đã tăng 4 lần so với lúc mới thành lập. Riêng tầm ảnh hưởng của Sacombank tại SBS ngày càng giảm dần khi chuyển từ nắm giữ 100% xuống 56,4%.
Ngoài tăng vốn, nhằm đáp ứng vốn cho các hoạt động (repo, margin loan, cầm cố, ứng trước), SBS cũng liên tục phát hành trái phiếu. Trong 4 tháng cuối năm 2010, SBS đã phát hành thành công gần 2.000 tỷ đồng trái phiếu.
Với nguồn vốn dồi dào nhưng hiệu quả kinh doanh của SBS không tương xứng. Cụ thể, lãi sau thuế giảm 60% so với năm 2009, đạt 101,4 tỷ đồng, hoàn thành phân nửa kế hoạch điều chỉnh (180 tỷ đồng).
Ngân hàng mẹ liên tục thoái vốn, còn nắm giữ 10,95%
Ngay tại thời điểm trước khi công bố kết quả kinh doanh quý II/2011 (âm 164 tỷ đồng) - là quý đầu tiên SBS lỗ, Ngân hàng mẹ Sacombank đã tiến hành bán ra 9,42 triệu cổ phiếu SBS, giảm sở hữu từ 56,39% xuống còn 48,95%. Giải thích về điều này, Sacombank cho biết đây là chủ trương thoái vốn tại các công ty con đã được thông qua Đại hội thường niên trước đó.
Không dừng lại ở đó, đến tháng 11/2011, Sacombank tiếp tục bán thỏa thuận 48,13 triệu cổ phiếu SBS, tỷ lệ sở hữu lúc này còn 10,95%.
Kết thúc năm 2011, SBS công bố kết quả kinh doanh với con số lỗ lên đến 788 tỷ đồng. Tính đến hết quý I/2012, lợi nhuận chưa phân phối của SBS âm hơn 1.424 tỷ đồng, vượt quá vốn đầu tư chủ sở hữu.
Hiện cổ phiếu SBS đã bị đưa vào diện kiểm soát, chỉ còn được giao dịch 15 phút cuối phiên kể từ ngày 23/07.
Đến cuối tháng 3 và đầu tháng 4/2012, thị trường chứng kiến sự rút lui hàng loạt của các lãnh đạo SBS khi Ngân hàng mẹ Sacombank chuyển giao quyền lực cho nhóm cổ đông mới. Các thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mới của SBS bao gồm ông Kiều Hữu Dũng (Chủ tịch HĐQT), ông Phạm Nhật Vinh, ông Võ Duy Đạo, bà Nguyễn Hải Tâm và ông Hoàng Mạnh Tiến.
Nguồn Vietstock