Thứ Sáu | 07/06/2013 15:12

Quá tay giảm lãi suất có thể gây hiệu ứng ngược

Theo tính toán, hiện chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào trừ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng chỉ còn 1,93%.
Lãi suất đã hết chỗ lùi

Từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều hành chính sách lãi suất theo hướng giảm dần phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm giúp doanh nghiệp (DN) tiếp cận vốn vay để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Song song với đó, các giải pháp tín dụng được NHNN điều hành theo hướng mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD); cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch tích cực, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ…

Đến thời điểm này, mặt bằng lãi suất đã giảm mạnh, bằng mức lãi suất trước năm 2007. Cụ thể, với các DN thuộc các lĩnh vực ưu tiên được tiếp cận lãi suất ở mức 8 – 10%/năm; lĩnh vực sản xuất kinh doanh ở mức 9 – 12%/năm; còn với DN tốt có thể được vay mức lãi suất chỉ 7 – 8%/năm. Mặc dù vậy, dòng tiền chảy vào nền kinh tế vẫn chưa được thông suốt. Tính đến ngày 22/5, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng được 2,29%.

Theo nhận định chung của các chuyên gia kinh tế trong nước cũng như quốc tế, nguyên nhân khiến tín dụng tăng thấp không phải do lãi suất mà cốt lõi vấn đề này là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế thấp khi tổng cầu còn yếu. Biểu hiện rõ các DN không có đầu ra, hàng tồn kho chưa tiêu thụ được nên dù lãi suất giảm, nhu cầu vay vốn cũng không cao. Do đó, từ đầu năm đến nay, vốn khả dụng của hệ thống các TCTD luôn dư thừa.

Thời gian qua, cũng có ý kiến phàn nàn khó tiếp cận vốn từ phía DN... Nhưng thực tế phản ánh qua các Hội nghị kết nối ngân hàng và DN tại các tỉnh, thành phố mà lãnh đạo NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) trực tiếp tham dự cho thấy các DN đủ điều kiện vay vốn, có dự án khả thi thì việc tiếp cận vốn rất dễ dàng, và được vay với lãi suất khá thấp so với mặt bằng lãi suất cho vay hiện nay.

Tất nhiên, bên cạnh đó vẫn có DN mong muốn vay vốn nhưng lại không đáp ứng đủ các điều kiện vay như tình hình tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi của dự án; hầu hết tài sản đã được thế chấp để bảo đảm cho các nghĩa vụ của các khoản vay cũ và đến nay chưa trả được nợ... nên không tiếp cận được vốn ngân hàng. Hiện tại các ngân hàng cũng rất thận trọng khi cho vay với những đối tượng như vậy. Bởi việc cho vay dưới chuẩn có thể giúp DN bớt khó khăn trước mắt nhưng sẽ khiến ngân hàng gặp rủi ro.
Cần một thế kiềng “ba chân”

Một nguyên nhân khiến dòng vốn chưa được thông suốt đó là nợ xấu vẫn còn ở mức cao. Mặc dù hệ thống ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp nhưng để xử lý nợ xấu cũng phải cần có thời gian và cần sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành.

Trên thực tế, các TCTD đang gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý tài sản đảm bảo do quy định của pháp luật điều chỉnh có nhiều điểm chưa cụ thể, chưa có sự phối đồng bộ giữa các cơ quan thi hành án, UBND các địa phương; DN không trả được nợ do nợ đọng ngân sách... “Từng đấy “nút thắt” nếu chỉ trông chờ vào hệ thống ngân hàng thì khó có thể “xử” được nợ xấu. Điều này đồng nghĩa với việc tín dụng khó khơi thông, tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô”, một chuyên gia ngân hàng khẳng định.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng nếu tiếp tục đặt gánh nặng lên lãi suất, rất có thể sẽ tạo hiệu ứng ngược. Theo phân tích số liệu báo cáo tài chính của 36 NHTM, tính đến cuối tháng 3/2013, lãi suất đầu ra bình quân là 10,61%/năm, giảm so với mức 11,66%/năm tại thời điểm cuối năm 2012; và lãi suất đầu vào bình quân là 7,58%/năm giảm so với 8,28%/năm cuối năm 2012. Như vậy hiện chênh lệch lãi suất đầu ra - đầu vào chưa tính đến chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 3,03%. Nhưng nếu trừ chi phí này thì chênh lệch chỉ còn 1,93%, giảm so với mức 2,33%/năm cuối năm 2012.

Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận của các TCTD sụt giảm mạnh. Đó là chưa kể, do tăng trưởng tín dụng gặp khó song huy động vốn vẫn tốt, khiến chênh lệch thu chi của các TCTD quý I/2013 giảm 17% so với cùng kỳ 2012. Do đó, một số chuyên gia cảnh báo nếu các TCTD tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay, vừa phải tăng trích lập dự phòng rủi ro rất có thể nhiều TCTD chuyển sang lỗ sẽ dẫn tới rủi ro, đe dọa sự ổn định của hệ thống và nền kinh tế.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN Việt Nam, để tháo gỡ khó khăn thời điểm này không thể tạo áp lực lên hệ thống ngân hàng mà cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của các Bộ, ngành khác. Nhất là các giải pháp hỗ trợ tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn vay ngân hàng.

Đơn cử, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cần tăng cường hoạt động bảo lãnh đối với DN vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đẩy nhanh việc ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế bảo lãnh cho DN vay vốn làm cơ sở chung để NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn các NHTM đối với hoạt động bảo lãnh. Bộ Tư pháp cũng cần vào cuộc phối hợp chặt chẽ với NHNN và các Bộ, ngành liên quan để sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn các quy định về xử lý tài sản bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án có liên quan đến hoạt động ngân hàng.

Qua đó, tạo điều kiện cho các TCTD xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ, giảm nợ xấu và có cơ sở để mở rộng tín dụng cho nền kinh tế... Xử lý nhanh, dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản của Ngân sách Nhà nước để tạo điều kiện cho DN khơi thông dòng vốn, đưa vào hoạt động trở lại, đồng thời trả nợ ngân hàng, giảm nợ xấu.

Nguồn Thời báo Ngân hàng


Sự kiện