Kỳ vọng vào nhiều chuyến bay quốc tế để giảm cạnh tranh về giá, giảm chi phí vốn và giảm rủi ro về chi phí nhiên liệu vào cuối năm 2023. Ảnh: TL

 
Ngọc Tâm Thứ Hai | 20/03/2023 16:28

Qua những ngày “u ám”, doanh thu của các hãng hàng không sẽ phục hồi tốt?

Trong khi đó, sự phục hồi lợi nhuận ròng dự kiến còn mất thêm khá nhiều thời gian nữa.

Gần đây, Đại sứ quán Trung Quốc đã công bố quyết định đưa Việt Nam vào danh sách thí điểm các quốc gia được phép du lịch theo nhóm dành cho công dân Trung Quốc, quyết định có hiệu lực từ ngày 15/3/2023, đúng 1 năm sau khi Việt Nam mở cửa trở lại hoàn toàn. 

Tiềm năng khi Trung Quốc mở cửa 

Theo góc nhìn của Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư SSI Research, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa lại biên giới vào đầu năm 2023 cho ngành du lịch cá nhân, nhưng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam 2 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 71.000 khách, rất ít so với 890.000 khách vào năm 2019. SSI Research cho rằng sự phục hồi chậm này là do du lịch theo nhóm đến Việt Nam ở mức thấp, cũng như một số yếu tố khác, như thu nhập khả dụng và tiết kiệm cá nhân ở mức thấp hơn. Do đó, thông báo này là một bước quan trọng khác để tiếp tục phục hồi khách du lịch quốc tế cho Việt Nam, vì Trung Quốc là thị trường trong và ngoài nước lớn nhất của Việt Nam, chiếm 32% lượng khách quốc tế đến Việt Nam vào năm 2019.

 

Ngoài ra, SSI Research cho rằng quyết định được đưa ra vào thời điểm này là phù hợp. Mùa du lịch cao điểm của thị trường khu vực châu Á là kỳ nghỉ hè, nên có nhiều thời gian cho các bên liên quan trong ngành (hãng hàng không, sân bay, đại lý du lịch, công ty khách sạn...) kích hoạt lại cơ sở vật chất và tăng số lượng nhân viên. 

“Chúng tôi cho rằng nhu cầu du lịch của người Trung Quốc có thể bị dồn nén trong năm nay, sau 3 năm liên tiếp thực hiện chính sách giãn cách xã hội và không có du lịch quốc tế. Mặc dù ban đầu quá trình phục hồi có thể chậm hơn, nhưng chúng tôi kỳ vọng sự phục hồi sẽ bùng nổ vào kỳ nghỉ hè năm 2023 (rơi vào quý II và quý III/2023), với lượng hành khách đạt đỉnh vượt thời kỳ trước COVID-19 ở một số điểm, trong khi mức phục hồi cả năm sẽ đạt khoảng 80% so với mức trước dịch COVID-19 trong năm 2019 nếu xét về lượng hành khách quốc tế, tạo bước đệm cho sự phục hồi khách quốc tế hoàn toàn trong năm 2024 đối với Việt Nam”, SSI Research nhận định. 

Sự phục hồi gần như chắc chắn

Cũng theo đánh giá của tổ chức này, hàng không là ngành được hưởng lợi chính từ sự phục hồi, bao gồm tất cả các công ty có liên quan như hãng hàng không, sân bay và cung cấp dịch vụ sân bay. “Hiện tại, chúng tôi ưa thích các công ty sân bay và dịch vụ sân bay (như ACV, AST, SGN), vì bản chất giống như độc quyền khiến các công ty này có những vị thế hoàn hảo để hưởng lợi hoàn toàn từ sự phục hồi của hành khách quốc tế, với tình hình tài chính vững mạnh”, SSI Research nhìn nhận. 

 

Mặt khác, khả năng phục hồi doanh thu của các hãng hàng không gần như là chắc chắn (do Trung Quốc cũng là thị trường nước ngoài lớn nhất của du lịch Việt Nam). Trong khi đó, sự phục hồi lợi nhuận ròng dự kiến còn mất thêm khá nhiều thời gian nữa, do cạnh tranh và chi phí nhiên liệu vẫn gây áp lực lớn lên biên lợi nhuận của ngành hàng không, vốn luôn rất thấp ngay cả trong thời gian hoạt động bình thường (biên lợi nhuận ròng năm 2019 của các hãng hàng không tại Việt Nam trong khoảng 3-7%). 

Đối với các hãng hàng không, SSI Research kỳ vọng vào nhiều chuyến bay quốc tế hơn để giảm cạnh tranh về giá, giảm chi phí vốn và giảm rủi ro về chi phí nhiên liệu vào cuối năm 2023. Việc nối lại các chuyến bay quốc tế ban đầu có thể không mang lại lợi nhuận hoặc có khả năng sinh lời thấp do cạnh tranh cao giữa các hãng hàng không để giành lại thị phần quốc tế, trong khi hiệu quả thấp hơn so với trước COVID-19 do công suất hoạt động của đội bay thấp. 

Theo SSI Research, ngành hàng không vẫn phải đối mặt với một số trở ngại trong năm 2023, điều này có thể dẫn đến nhu cầu tái cơ cấu/bán tài sản/các hoạt động M&A từ phía các hãng hàng không. 

Có thể bạn quan tâm

Sẽ có Trung tâm giao dịch thủy sản Việt Nam tại Trung Quốc