Thứ Sáu | 23/05/2014 11:41

Quá nhiều khâu trung gian cho cá da trơn vào châu Âu

Thủy sản xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc quá nhiều vào nước ngoài, đặc biệt là nhãn mác và tiếp thị.
Một trong những mục tiêu của ngành Thuỷ sản Việt Nam là giảm bớt các khâu trung gian khi xuất khẩu hàng hoá sang châu Âu. Tuy nhiên, để xuất khẩu trực tiếp vào các siêu thị châu Âu, có thể nói là chưa doanh nghiệp Việt Nam nào đủ khả năng. Lý do là do nhiều công đoạn, trong đó có nhãn mác và tiếp thị vẫn phải cần tới các tập đoàn chế biến và phân phối thuỷ sản của nước ngoài.

Trong một siêu thị tại châu Âu, chắc chắn người tiêu dùng sẽ tìm thấy các sản phẩm thuỷ sản Việt Nam như: thăn cá basa và thăn cá tra… nhưng tất cả lại đều mang thương hiệu của những tập đoàn phân phối thuỷ sản châu Âu. Tuy nhiên, nếu tìm kĩ người mua vẫn sẽ thấy dòng chữ “có nguồn gốc Việt Nam”.

Cá Việt Nam trước khi đến được siêu thị thường đã phải qua rất nhiều khâu trung gian. Hậu quả là hàng hoá tuy được bán với giá cao tại châu Âu, nhưng lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam không còn mấy.

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết “Từ trước đến giờ, khách hàng của Việt Nam chủ yếu là các nhà nhập khẩu châu Âu, nhưng quyền lợi của nhà nhập khẩu không gắn với chất lượng của con cá, mà gắn với giá là chính. Vì vậy, nếu các nhà nhập khẩu châu Âu chạy theo giá thấp cũng khiến cho các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải chạy theo. Bây giờ khách hàng chính của các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi, đó phải là những người phân phối cuối cùng, tức các hệ thống siêu thị lớn, các hệ thống bán lẻ châu Âu - những hệ thống này ở châu Âu rất phát triển”.

Điểm yếu của các nhà xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam là khâu tiếp thị bán hàng. Phần lớn doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản không quan tâm nhiều đến thói quen của người tiêu dùng cuối ở châu Âu. Người tiêu dùng cuối châu Âu thích mua con cá được đóng gói ra sao? Họ thường chế biến cá như thế nào? - những chi tiết quan trọng này thường được các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam giao phó cho các công ty trung gian của nước ngoài. Vì vậy, lợi nhuận bị san sẻ rất nhiều cho khâu này.

“Tôi nghĩ rằng đầu tư cho tiếp thị còn quan trọng hơn cả tăng sản lượng. Các nhà sản xuất cần phải biết ai là người sẽ ăn con cá của mình, họ muốn gì ở sản phẩm? Ngoài ra, cũng cần phải làm sao để nhà phân phối bán lẻ giúp tiếp thị tốt hơn và từ đó bán sản phẩm với giá cao hơn. Thật đáng tiếc nếu như Việt Nam đầu tư nhiều cho chất lượng, thế nhưng giá bán sản phẩm vẫn cứ thấp”, bà Sabine Gisch-Boie - WWF Cộng hòa Áo nói.

Khác với ở Mỹ, tại châu Âu không nuôi nhiều cá da trơn, cho nên không có những rào cản kỹ thuật hay sức ép lobby (vận động hành lang) từ phía những Hiệp hội sản xuất thuỷ sản châu Âu chống lại cá đến từ Việt Nam. Xuất khẩu cá tra, cá basa vào châu Âu do vậy thuận lợi hơn nhiều. Vấn đề chỉ còn là thuyết phục khách hàng châu Âu về một sản phẩm chất lượng, ngon và rẻ, dễ chế biến cho bữa ăn trong gia đình. Người tiêu dùng cuối ở châu Âu đang là đối tượng mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm trong lúc này.

Nguồn VTV Online


Sự kiện