Quá khó khăn, 90% nhà máy titan dừng hoạt động
90% nhà máy đóng cửa
Theo ông Đắt, nếu so với cùng thời điểm này năm ngoái, giá xuất khẩu các loại sản phẩm titan là ilmenite và rutile đã giảm 20-50%, dao động ở mức 60-100 USD/tấn.
“Sau khi trừ thuế, phí, chi phí khai thác, chế biến thì giá bán này không có lãi. Hiện cả nước có gần 70 nhà máy khai thác, chế biến titan lớn nhỏ với công suất gần 1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, hiện đã có gần 90% nhà máy phải tạm dừng hoạt động do lượng tiêu thụ và giá bán sụt giảm hơn một năm nay”, ông Đắt cho hay.
Các nhà máy khai thác titan hiện nằm rải rác ở các địa phương tập trung trữ lượng titan lớn như Bình Thuận, Bình Định, Thái Nguyên, Huế, Quảng Nam, Quảng Trị ... Việc nhà máy titan dừng hoạt động kéo theo khoảng 70% lao động ngành khai thác, chế biến titan bị sa thải.
Lâu nay, khoảng 50% lượng titan khai thác trong nước được xuất khẩu sang Trung Quốc, phần còn lại xuất khẩu sang các thị trường Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc.
Tại đại hội ngành titan diễn ra tại Quy Nhơn cuối tuần qua, một số chuyên gia nhận định dự báo đến năm 2015 hoặc 2016 thị trường titan mới hồi phục.
Còn dựa vào thiết bị khai thác từ Trung Quốc
Theo ông Nguyễn Ngọc Thành, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng thuộc Bộ Công Thương, tổng trữ lượng quặng titan của Việt Nam ước khoảng 650 triệu tấn.
Bất cập trong hoạt động khai thác khoáng sản tại Việt Nam là các nhà máy đầu tư tự phát, thiết bị nhập từ Trung Quốc, các mỏ nằm phân tán, khâu chế biến vẫn ở quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, không thân thiện môi trường.
Đối với khâu chế biến sâu titan sau khai thác, hiện cả nước mới chỉ có 2 nhà máy sản xuất ilmenite công suất 20.000 tấn/năm và 5 nhà máy luyện xỉ sản xuất giai đoạn 1 với công suất 84.000 tấn/năm (Thái Nguyên 1 nhà máy, Bình Định 3 nhà máy, Huế 1 nhà máy) và 11 dây chuyền nghiền bột zircon mịn, siêu mịn, rutil mịn khác.
Định hướng đến năm 2020 tổng công suất chế biến các sản phẩm titan của Việt Nam sẽ đạt 60.000 tấn ilmenite/năm, 989.000 tấn xỉ titan/năm, 120.000 tấn rutil nhân tạo/năm, 194.000 tấn zircon siêu mịn/năm, 240.000 tấn pigment/năm, 20.000 tấn ferro titan/năm và 20.000 tấn titan xốp mỗi năm.
Trước đó, vào tháng 9/2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan ở Việt Nam đến năm 2030. Theo đó, 92% trong tổng trữ lượng titan tại Việt Nam khoảng 650 triệu tấn nằm trong tầng cát đỏ tại Bình Thuận.
Do vậy, quy hoạch này cũng đề ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành các cơ sở khai khoáng titan công suất lớn tại Bình Thuận.
Theo ông Nguyễn Quốc Hội, Tổng giám Công ty Cổ phần Khoáng sản An Khánh, tỉnh Thái Nguyên, trong năm 2013 các doanh nghiệp chế biến khai thác quặng titan đã được Bộ Công Thương cho phép tiếp tục xuất khẩu. Tuy nhiên, thời điểm 2013 đến tháng 7/2014 titan bán không được nên dẫn đến tồn kho lớn.
Điều nan giải là để giữ chân người lao động buộc doanh nghiệp phải duy trì sản xuất dẫn đến tồn kho ngày càng nhiều hơn.
Cũng theo ông Hội thì hiện nay các doanh nghiệp titan phải chịu các khoản chi phí gồm: 10% thuế giá trị gia tăng, 16% thuế tài nguyên, thuế xuất khẩu 30%, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 5%, thuế thu nhập doanh nghiệp 25%, tiền phí bảo vệ môi trường. Cộng gộp các khoản này lại tương đương với giá bán titan theo hình thức FOB.
Vì thuế chiếm đến 50-60% trong cơ cấu giá thành sản phẩn ngành khai thác chế biến titan nên theo ông Võ Quang Hiền, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Khoáng sản Thừa Thiên Huế trong một báo cáo nêu ra tại hội nghị ngành titan diễn ra tại Quy Nhơn cuối tuần qua đã kiến nghị các bộ ngành liên quan sớm có những giải pháp về chính sách thuế để cứu vãn doanh nghiệp trong lĩnh vực titan vốn đang suy thoái như hiện nay.
Nguồn thesaigontimes