Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến khiến ngành điện đối diện có nguy cơ thừa điện. Ảnh: tintuc

 
00:00
    Minh Anh Thứ Ba | 23/02/2021 13:40

    Qua cơn sốt, điện mặt trời đối diện với sự “dư thừa”

    Trong Báo cáo tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã chia sẻ nguy cơ “thừa điện”

    Hết thời chạy đua đến thời cắt giảm

    Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng trưởng thấp hơn dự kiến khiến ngành điện đối diện có nguy cơ thừa điện, vì thế nhiều nhà máy điện mặt trời phải cắt giảm sản lượng vào giờ cao điểm.

    Trên Diễn đàn Năng lượng tái tạo Việt Nam, nhiều người bất ngờ khi chứng kiến một bản danh sách dài với hàng chục nhà máy điện mặt trời tại tỉnh Đắk Nông được lên kế hoạch luân phiên “sa thải hoàn toàn”.

    Từ ngày 30.12.2020 - 5.1.2021, mỗi ngày bình quân có khoảng 30 dự án điện mặt trời không được huy động dù chỉ là 1kWh để phát lên hệ thống điện quốc gia. Lý do là bởi “máy biến áp T1 của trạm 110 Cư Jút bị quá tải do phát ngược từ hệ thống điện mặt trời” của các dự án trong khu vực.

    Trong bối cảnh chung ngành điện, cả năm 2020, một công ty giặt ủi tại TP.HCM đã gánh chịu những khó khăn chồng chất do khách hàng trực tiếp của doanh nghiệp này là các khách sạn chuyên phục vụ du lịch phải tạm đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng vì dịch COVID-19, lượng du khách sụt giảm mạnh.

    Ảnh:
    Do dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, du lịch…đều giảm chi phí sử dụng điện. Ảnh: dangcongsanvietnam

    Theo lãnh đạo của doanh nghiệp này, với khối lượng công việc giảm đến 80%, lượng điện tiêu thụ cho các máy giặt ủi cũng sụt giảm đều trong cả 12 tháng. "Thay vì trả 180 triệu đồng tiền điện/tháng, chúng tôi chỉ còn thanh toán chừng 40 - 50 triệu đồng/tháng và dự kiến vẫn giữ ở mức này trong năm 2021 nếu không có gì thay đổi".

    Do dịch COVID-19 nên nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, du lịch…đều giảm chi phí sử dụng điện. Vì thế, nguồn cung đã bị dư thừa so với cầu. Tình trạng khó khăn đơn hàng xuất khẩu khiến lĩnh vực sản xuất cũng giảm đến 20-30% sản lượng tiêu thụ điện.

    Theo ông Phạm Văn Việt, Phó chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP.HCM, chia sẻ với báo chí: Các doanh nghiệp may đều khó khăn về đơn hàng xuất khẩu, sản xuất sụt giảm nên lượng điện tiêu thụ cả năm trung bình giảm khoảng 20%. Thậm chí, trong tháng 4.2020, số tiền điện mà 3 nhà máy dệt may của ông Việt phải trả chỉ còn hơn 80 triệu đồng, thay vì hơn 500 triệu đồng/tháng như trước đó.

    Ảnh: vietstock
    Các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời thường xuyên nhắn tin để phàn nàn về việc dự án của họ phải chịu cảnh cắt giảm. Ảnh: tuoitre.

    Chia sẻ về nỗi lo của các doanh nghiệp, ông Dương Quang Thành, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Điện lực EVN, cho biết: "Các chủ đầu tư nhà máy điện mặt trời thường xuyên nhắn tin để phàn nàn về việc dự án của họ phải chịu cảnh cắt giảm. “Họ kêu rằng cứ vận hành như thế thì làm sao chúng tôi có đủ tiền để trả ngân hàng. Với tập đoàn, thiếu đã rất đau đầu nhưng thừa điện còn mệt mỏi hơn”.

    Doanh nghiệp vẫn cố chạy nước rút

    Cuối năm 2020, Nhà máy điện gió Bạc Liêu khi đang phát điện dao động từ 6 - 11 MW thì nhận được lệnh điều độ yêu cầu giảm công suất về 2 MW. Tương tự, dự án điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam có công suất 450 MW của Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã được yêu cầu giảm phát hơn 360 MW (khoảng 80% công suất thiết kế). Theo doanh nghiệp này, từ ngày vận hành thương mại chính thức tới nay, dự án này thường xuyên bị cắt giảm công suất phát.

    Thống kê của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) cho biết, trong năm 2020, có tới 365 triệu kWh điện mặt trời đã phải buộc giảm phát (cắt giảm). Năm 2020, là lần đầu tiên sản lượng tiêu thụ điện ở TP.HCM tăng trưởng âm, với lũy kế mức tăng trưởng điện chung cho các ngành của TP.HCM chỉ còn -0,98% so với chỉ tiêu đặt ra là khoảng 6%.

    Đặc biệt, ngành thương nghiệp, khách sạn có lượng tiêu thụ điện giảm đều trong tất cả các tháng, trong đó tổng mức giảm của ngành đến tháng 12 đã lên đến -11% so với năm 2019. Ngành công nghiệp, xây dựng cũng giảm tiêu thụ điện trong cả năm với mức tăng trưởng -3,58%.

     

    Trong khi các nguồn điện đang chạy phải đối mặt với tình trạng cắt giảm công suất thì năm 2020 rất nhiều công ty điện lực tỉnh ở khu vực phía Nam, Tây Nguyên phải huy động hết nhân lực, làm việc cả ngày thứ 7, chủ nhật để kịp nghiệm thu cho các dự án điện mặt trời mái nhà đang mở hết tốc lực chạy đua kịp mốc trước 31.12 phát điện để hưởng giá ưu đãi.

    Trong cuộc họp gần đây, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc A0, cho hay trong năm 2021, A0 dự kiến sẽ phải cắt giảm 1,3 tỉ kWh điện ở khối năng lượng tái tạo, trong đó có 500 triệu kWh là do thừa nguồn, thấp điểm trưa và quá tải vận hành đường dây 500 kV.

    Theo văn bản của Bộ Công Thương, tình huống hệ thống điện dư thừa công suất đang phát lên hệ thống so với phụ tải tiêu thụ đã được đánh giá là tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an ninh của hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn hệ thống điện quốc gia.

    ►Lợi thế hơn về môi trường, điện mặt trời nổi "lên ngôi"