"Quả bom" 364 tỷ USD trong các ngân hàng lớn nhất Trung Quốc
Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings mới đây đã gọi khu vực bất động sản là “mối đe dọa lớn nhất” đối với các ngân hàng Trung Quốc trong bối cảnh các khoản nợ gắn với thị trường bất động sản tăng mạnh, đồng thời các vụ vỡ nợ và chào bán thất bại cũng tăng lên.
Tại các ngân hàng được Fitch xếp hạng, kể từ năm 2008 đến nay các khoản nợ doanh nghiệp được thế chấp bằng các tòa nhà đã tăng gấp 5 lần. Đồng thời, các khoản nợ thế chấp nhà ở cũng đã tăng gấp 3 lần trong cùng kỳ. Các khoản nợ liên quan đến bất động sản tại 4 ngân hàng lớn nhất Trung Quốc đã tăng lên mức 2.260 tỷ nhân dân tệ (tương đương 364 tỷ USD).
“Tài sản đảm bảo vốn được sử dụng để giảm bớt rủi ro cho các ngân hàng, nhưng xu hướng tăng thế chấp bằng bất động sản của các doanh nghiệp sẽ làm tăng nguy cơ vỡ nợ”, hai chuyên gia phân tích của Fitch là Jack Yuan và Grace Wu nhận định. “Nguyên nhân là do loại tài sản này được sử dụng ngày càng phổ biến khiến nhận thức về rủi ro giảm xuống, dẫn đến rủi ro trên thị trường bất động sản lan sang các ngành khác”.
Tiếng chuông cảnh báo vang lên từ tháng trước, khi Kaisa Group trở thành công ty bất động sản đầu tiên ở Trung Quốc vỡ nợ trái phiếu nước ngoài. Bất động sản là ngành đóng góp tới 1/3 tăng trưởng cho kinh tế Trung Quốc trong năm 2013. Tuy nhiên giá nhà đất ở 70 thành phố đã liên tục sụt giảm trong hơn 1 năm qua, đánh dấu thời kỳ tồi tệ nhất trong ít nhất 1 thập kỷ. Doanh số bán ra cũng giảm trong 11 tháng trên tổng số 24 tháng qua.
Các khoản nợ được đảm bảo bằng tài sản là bất động sản hiện chiếm tỷ lệ tới 40% tại các ngân hàng mà Fitch theo dõi xếp hạng. Tổng tín dụng dành cho bất động sản có thể lên đến 60% nếu tính đến cả những cách thức tài trợ khác ngoài các khoản vay trực tiếp.
Theo Raymond Chia, trưởng phòng nghiên cứu tín dụng tại quỹ Schroder đang đầu tư vào thị trường châu Á, thị trường bất động sản luôn là một trong những nguồn thu chính của ngân sách nhà nước ở Trung Quốc. Với tình hình ảm đạm hiện nay của thị trường, đặc biệt là tình trạng lượng tồn kho lớn và các doanh nghiệp bất động sản có lợi nhuận tăng trưởng rất thấp, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.
Báo cáo thường niên năm 2013 cho thấy tính đến cuối năm ngoái ICBC – ngân hàng lớn nhất thế giới xét theo tổng tài sản - có 443,5 tỷ nhân dân tệ dư nợ liên quan đến bất động sản, tương đương 6,6% tổng dự nợ. Tỷ lệ tại 3 ngân hàng còn lại là Bank of China, Ngân hàng Xây dựng và Ngân hàng Nông nghiệp lần lượt là 8,4%, 5,5% và 11,3%.
Trong khi đó, chuyên gia Owen Gallimore đến từ ngân hàng ANZ lại cho rằng vẫn có nhiều lý do để lạc quan về thị trường bất động sản Trung Quốc bởi NHTW nước này đã hai lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc kể từ đầu năm đến nay. “Các dữ liệu mới nhất cho thấy tình hình đã được cải thiện chút ít, đặc biệt là ở các công ty bất động sản lớn nhất. Thêm vào đó, PBOC đang mạnh tay nới lỏng chính sách”.
Các ngân hàng và công ty bất động sản đang hi vọng nhận định trên là chính xác. Nợ được đảm bảo bằng bất động sản đã tăng 400% kể từ năm 2008, trong khi tổng dư nợ chỉ tăng trưởng 260%.
“Chúng tôi tin rằng một phần không nhỏ trong số 4.000 tỷ nhân dân tệ được bơm vào nền kinh tế sẽ chảy vào khu vực bất động sản. Ngày càng có nhiều bất động sản được sử dụng làm tài sản đảm bảo là xu hướng quen thuộc trong thời kỳ bất động sản bùng nổ”, báo cáo của Fitch nhận định.
Nguồn CafeF/Trí Thức Trẻ