Hình ảnh tại cửa hàng tạp hóa ở Di Linh. Ảnh: TL.
QR code phổ biến ở chợ quê
Trong những năm gần đây, việc thanh toán bằng điện tử không còn là điều xa lạ tại các khu vực nông thôn, không chỉ xuất hiện ở các siêu thị hay cửa hàng lớn mà còn lan rộng đến những tiệm tạp hóa nhỏ ven đường. Tại nhiều sạp hàng tạp hóa ở khu chợ huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, người bán đã in sẵn mã QR để người mua có thể quét và thanh toán.
Chia sẻ với Phóng viên NCĐT, cô Thu Cúc, chủ tiệm tạp hóa ở chợ Đinh Lạc (Di Linh, Lâm Đồng) cho hay, mỗi dịp lễ tết, các bạn trẻ về thăm quê và có nhu cầu mua sắm rất nhiều, 10 bạn thì hết 8 bạn hỏi "cô ơi, cho con chuyển khoản được không, con không có tiền mặt ạ”. Cô Cúc cho biết, ban đầu, có một chút bất tiện khi thích nghi với hình thức thanh toán mới nhưng với sự tiện lợi và linh hoạt, nhiều người dần chấp nhận và thậm chí ưa chuộng việc này.
Không chỉ riêng ở các tiệm tạp hóa trong khu chợ, mà đến cả các tiệm gội đầu, làm tóc, làm móng cũng đã chấp nhận thanh toán điện tử. Chị Thanh Hoài, chủ tiệm làm tóc ở khu chợ Di Linh chia sẻ “khách hàng của chị đa phần là các bạn trẻ, nên chị cũng đã quen với việc chuyển khoản thanh toán, rất tiện lợi, không lo thiếu tiền lẻ để trả lại khách”.
Nhìn ở bức tranh rộng hơn, sau 3 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển số ngành Ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong 2 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 tiếp tục đạt tỉ lệ tăng trưởng khá: Giao dịch không dùng tiền mặt tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị; qua kênh Internet tăng tương ứng 51,60% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR code tăng 846,41% và 1.146,14%; qua POS tăng 2,53% và 3,56%.
Chia sẻ về định hướng trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước xác định tiếp tục thúc đẩy triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số, các kế hoạch đã đặt ra tại Quyết định 810/QĐ-NHNN của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định thanh toán không dùng tiền mặt, Thông tư mở và sử dụng tài khoản… nhằm hạn chế rủi ro, tăng cường công tác an ninh, bảo mật của hệ thống thanh toán.
Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong thời gian vừa qua Ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch, chuẩn hóa cũng như thu thập, mở rộng thêm cơ sở dữ liệu khách hàng. Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, xây dựng và phát triển hệ sinh thái số đa dạng, đa tiện ích và an toàn đang là lựa chọn của nhiều ngân hàng trong thời kỳ chuyển đổi số.
Có thể bạn quan tâm