PVN tính rời khỏi công ty liên doanh khai thác dầu tại Venezuela
Vốn đầu tư dự trù ban đầu của PVN tại công ty liên doanh Petromacareo (thực hiện khai thác dầu ở Lô Jinin 2 thuộc vành đai khai thác dầu thô Orinoco, Venezuela) lên tới 1,8 tỷ USD trong 5 năm. Với con số "khủng" này, đây cũng là một trong những dự án đầu tư ở nước ngoài lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên theo một nguồn tin cấp cao tại PDVSA, PVN đang xem xét việc rút lui khỏi thị trường này. Một nguồn tin thân cận khác với dự án Petromacareo cũng khẳng định điều này và cho biết thêm, một công ty Colombia có khả năng sẽ mua số cổ phần của PVN tại Petromacareo.
Thông tin được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Venezuela Elias Jaua tới thăm Việt Nam và gặp gỡ Tổng giám đốc PVN Nguyễn Quốc Khánh nhằm tăng cường hợp tác 2 bên tại liên doanh Junin 2 hồi đầu tháng 3.
Trong một thông báo sau đó, PVN trích dẫn lời của ông Jaua rằng: "Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã chỉ đạo chính phủ giải quyết những khó khăn hiện tại trong lĩnh vực hợp tác dầu khí giữa 2 nước và sẽ không để PetroVietnam rời khỏi dự án hợp tác Junin 2".
PVN từ lâu được đồn là không còn hứng thú với Venezuela do tình trạng lạm phát cao và các biện pháp kiểm soát tiền tệ của chính phủ. Trên thực tế không chỉ PVN mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng không hài lòng về điều này.
Hiện nay, Venezuela là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát cao nhất thế giới, ở 68% trong năm 2014. Chính phủ nước này cũng đang áp dụng hệ thống kiểm soát tiền tệ cấp 3 Byzantine.
Hai yếu tố này khiến việc thanh toán tại Venezuela và đưa lợi nhuận về nước gặp nhiều khó khăn. Đến nay so với USD, mức giá cao nhất của đồng bolivar là 6,3 bolivar đổi 1 USD, mức giá thấp nhất là 170 bolivar và tỷ giá trên thị trường đen thậm chí lên tới khoảng 250 bolivar.
Trong khi theo số liệu mới nhất của Bộ Dầu mỏ Venezuela, Petromacareo từng báo cáo không có sản lượng trong năm 2014.
Việc PetroVietnam rời khỏi công ty liên doanh Petromacareo sẽ là một thất bại lớn khác của chính phủ Venezuela sau sự ra đi trước đó của tập đoàn Petronas (Malaysia). Năm 2013, Petronas quyết định rời khỏi dự án dầu Petrocarabobo ở vành đại Orinoco do một số vấn đề với chính quyền Venezuela và PDVSA.
Nguồn DVO/ Reuters