Thứ Tư | 12/09/2012 07:58

PVN phải hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu trong tháng 9

Đề án phải báo cáo rõ tình hình sản xuất, kinh doanh và tài chính của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, sắp xếp lại doanh nghiệp cấp...
Theo đánh giá của Chính phủ, trong những năm qua, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) luôn giữ được vai trò của một tập đoàn kinh tế mạnh, tuy nhiên, hoạt động của PVN cũng có những điểm yếu được chỉ rõ tại Văn bản 309/TB-VPCP ngày 28/8 vừa qua, thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại cuộc họp về đề án tái cơ cấu PVN.

Theo đó, đầu tư ra ngoài lĩnh vực kinh doanh chính không có hiệu quả, có nơi thua lỗ kéo dài, mô hình tổ chức và cơ chế quản lý nội bộ còn nhiều bất cập, thành lập dàn trải, quá nhiều công ty cháu (doanh nghiệp cấp III), gây khó khăn cho quản lý, giám sát của chủ sở hữu và đã ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả hoạt động chung của PVN.

Thường trực Chính phủ yêu cầu, trong tháng 9 này, PVN hoàn chỉnh đề án tái cơ cấu Tập đoàn, báo cáo Bộ Công thương thẩm định, trình Thủ tướng xem xét và phê duyệt.

Đề án phải báo cáo rõ tình hình sản xuất, kinh doanh và tài chính của Tập đoàn và các đơn vị thành viên, nhất là những khó khăn, tồn tại và đưa ra các giải pháp giải quyết đối với các đơn vị khó khăn, yếu kém. Việc sắp xếp các doanh nghiệp cấp II, III và IV cũng được yêu cầu tập trung, thu gọn đầu mối để tổ chức hoạt động trong Tập đoàn để tập trung vào 5 lĩnh vực kinh doanh chính, tránh trùng lắp, cạnh tranh nội bộ.

Đối với các tổng công ty, công ty do Tập đoàn nắm giữ 100% vốn điều lệ, sẽ không tổ chức hội đồng thành viên. Cơ cấu quản lý sẽ theo mô hình chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty và phải báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9/2012.

Hiện ngoài Công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, còn có một số tổng công ty, công ty thành viên của PVN đang hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên.

Đó là Tổng công ty Thăm dò và Khai thác dầu khí (PVEP), Tổng công ty Dầu (PV Oil), Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), Công ty TNHH một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Dung Quất, Công ty Nhập khẩu và Phân phối than dầu khí (PV Coal) và Công ty TNHH một thành viên Phân bón Cà Mau.

Đa số các đơn vị này đều có hội đồng thành viên và có hai nhân sự riêng biệt đảm nhiệm vị trí chủ tịch và tổng giám đốc.


PVN cũng được yêu cầu phải xây dựng lộ trình thoái vốn đã đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính của mình, đặc biệt là các lĩnh vực chứng khoán, xây dựng dân dụng, bất động sản, khách sạn.

Trước đó, vào tháng 7/2012, chia sẻ với báo giới về tổng các khoản đầu tư ra ngoài ngành, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch PVN cho hay, có khoảng 5.000 tỷ đồng đầu tư ngoài ngành và có hai trường hợp đặc biệt mà PVN đề xuất lên Chính phủ không thoái vốn hoàn toàn, trong đó có Tổng công ty Tài chính Dầu khí (PVFC), bởi đây là tổ chức cần thiết để thực hiện thu xếp vốn cho PVN, không sinh ra theo phong trào, nên PVN kiến nghị chỉ thoái vốn xuống còn 20%.

Tuy nhiên, Thông báo 309/TB-VPCP cũng lưu ý việc không duy trì PVFC, đồng thời yêu cầu PVN có phương án xử lý cụ thể, chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Hiện PVFC đã đề xuất tới Ngân hàng Nhà nước việc chuyển đổi mô hình hoạt động sang theo mô hình ngân hàng.

Bộ Công thương cũng được giao nhiệm vụ phối hợp với Bộ Tài chính và PVN đề xuất cơ chế kinh doanh khí, trong đó có quan hệ giữa Công ty mẹ - PVN với Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV Gas)  và phương án giá bán khí theo thị trường để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong tháng 9/2012.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện