PVcomBank sẽ sáp nhập tiếp với một ngân hàng?
Từ thông tin trên có thấy nhiều khả năng một trong hai ngân hàng được nhắc tới là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).
PVcomBank là ngân hàng vừa hoàn tất việc hợp nhất giữa Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) và Ngân hàng TMCP Phương Tây (WesternBank) và chính thức hoạt động tháng 10/2013. PVcomBank hiện là ngân hàng thương mại cổ phần duy nhất vừa hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 9.000 tỷ đồng, trong đó cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với 52% vốn và cổ đông chiến lược Morgan Stanley nắm 6,7%.
Ngân hàng còn lại được nhắc đến trong câu chuyện này là một ngân hàng nhỏ với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, đến 31/12/2013, 10 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng là ngân hàng Nam Á, Bắc Á, Bản Việt (VietCapital Bank), Phương Đông (OCB), Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Kiên Long, Việt Nam Thương tín (VietBank), Xăng dầu Petrolimex (PGBank), Xây dựng Việt Nam (VNCB) và Bảo Việt (BaoViet Bank).
Trong đó, PGBank có cổ đông lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và BaoViet Bank có cổ đông lớn là Tập đoàn Bảo Việt.
Tháng 4, các cổ đông PGBank đã thông qua chủ trương sáp nhập với 1 ngân hàng khác. Trước đó, trong 1 tờ trình trước đại hội, PGBank cho biết dự kiến sáp nhập với VietinBank, PGBank sẽ trở thành trở thành đơn vị thành viên trực thuộc theo mô hình "ngân hàng trong ngân hàng". Tuy nhiên sau đó tên VietinBank đã không còn trong tờ trình chính thức về nội dung sáp nhập tại đại hội của đông của PGBank.
Việc tái cơ cấu PGBank được đặt ra xuất phát trước tiên từ chỉ thị của Thủ tướng về giảm tỷ lệ sở hữu của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) xuống còn 20% trong năm 2015. Hiện Petrolimex vẫn là cổ đông lớn và nắm 40% vốn của PGBank.
Tại Ngân hàng Bảo Việt, tập đoàn Bảo Việt hiện nắm 52% cổ phần. Ngoài ra, ngân hàng Bảo Việt cũng có cổ đông lớn khác là Vinamilk với 8% cổ phần và Công ty Công nghệ CMC với 9,9%.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2014 của Tập đoàn Bảo Việt, Bảo Việt cho biết hiện BaoViet Bank chưa tìm được đối tác hợp nhất, sáp nhập phù hợp. Bảo Việt sẽ giảm dần tỷ lệ sở hữu tại BaoViet Bank theo đúng quy định của luật các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Bảo Việt sẽ không bán cổ phần BaoViet Bank, việc giảm tỷ lệ sở hữu này được thực hiện bằng cách Bảo Việt sẽ không góp thêm vốn trong các đợt tăng vốn tới đây của Ngân hàng Bảo Việt.
Một ngân hàng khác có khả năng là đối tác sáp nhập với PVcomBank là GPBank. Năm 2006, GPBank khi đó là G-Bank khai trương và công bố cổ đông chiến lược là PVN. Tuy nhiên, trong báo cáo 2010 của GPBank thì không còn có tên cổ đông lớn PVN, Công ty CP Quản lý quỹ đầu tư FPT là cổ đông lớn duy nhất được nêu trong báo cáo này với số cổ phần sở hữu là 17,6 triệu cổ phiếu, chiếm 5,84%. Ở thời điểm 2010, GPBank cho biết không có cổ đông nào nắm trên 50% cổ phần của ngân hàng.
Hiện GPBank là ngân hàng duy nhất còn lại chưa được phê duyệt phương án tái cơ cấu trong nhóm 9 ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém được xác định năm 2012.
Cuối năm ngoái, theo một số nguồn tin, ngân hàng United Overseas Bank (UOB) của Singapore có thể mua lại 100% cổ phần GPBank. Theo nguồn tin của Báo Đầu tư khi đó, UOB và GPBank đã cơ bản thống nhất xong về giá cả, nhiều khả năng thương vụ này sẽ diễn ra vào đầu năm 2014. Tuy nhiên, đến nay đã là đầu quý IV/2014, thương vụ giữa UOB và GPBank có vẻ như đã chìm vào quên lãng.
Nguồn Theo DVO