PTT và thế trận dầu khí tại Việt Nam
Nhờ nền kinh tế đang hồi phục trở lại, nhu cầu tiêu thụ năng lượng của Việt Nam được dự báo sẽ tăng lên trong các năm tới. Điều này giải thích phần nào sự nhộn nhịp của ngành dầu khí thời gian qua. Gần đây, Murphy Oil (Mỹ) đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để khai khác các dự án tại Việt Nam và Mỹ. Dự án khai thác khí phục vụ các nhà máy phát điện tại mỏ Cá Voi Xanh miền Trung Việt Nam của Exxon Mobil cũng ghi nhận những tiến triển khả quan và dự kiến sẽ cho dòng sản phẩm đầu tiên vào năm 2021.
Tại sao PTT "án binh bất động"?
Nhưng trong lúc này, một siêu dự án khác là dự án lọc hóa dầu Victory trị giá 22 tỉ USD của tập đoàn Thái Lan PTT tại Nhơn Hội, Bình Định lại khá im ắng sau 2 năm lên kế hoạch triển khai. Liệu có phải giá dầu đang ở mức thấp là một lý do cho sự im ắng này?
Trả lời NCĐT, bà Jittayapa Wongsaroj, đại diện truyền thông của PTT, cho biết giá dầu giảm sâu kể từ quý IV năm ngoái đã ảnh hưởng một chút đến lợi ích kinh tế dự kiến của dự án lọc hóa dầu tại Nhơn Hội. Tuy vậy, giá dầu không chỉ là yếu tố quyết định đến dự án mà còn các nhân tố quan trọng khác như chi phí xây dựng, biên lợi nhuận, giá đầu ra các sản phẩm hóa dầu. Bà cho biết PTT đang thẩm định lại lợi ích của dự án, dự kiến sẽ hoàn thành vào quý IV năm nay.
Việc PTT thận trọng với dự án này cũng là điều dễ hiểu khi quy mô quá lớn và bản chất phức tạp của nó. Thực tế, hầu hết các dự án về năng lượng đều là những dự án có tầm nhìn dài hạn và việc giá dầu giảm trong ngắn hạn có lẽ cũng chỉ khiến tốc độ triển khai bị chậm lại đôi chút, nếu những yếu tố hấp dẫn khác vẫn được duy trì. Nhưng đó là những yếu tố nào?
Theo đại diện của PTT, đó là sự tham gia của Chính phủ thông qua các chính sách ưu đãi thích hợp, các cam kết bảo lãnh cũng như việc tham gia góp vốn trực tiếp của các doanh nghiệp năng lượng trong nước, đặc biệt là PVN. Điều đáng mừng là dự án này đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận bổ sung vào tổng thể quy hoạch phát triển dầu khí quốc gia. “Dự án Victory sẽ giúp Việt Nam khắc phục được tình trạng thiếu hụt lượng dầu được tinh chế cũng như các sản phẩm hóa dầu khác”, PTT đánh giá.
Tham vọng dẫn đầu
Hiện quy mô của nhà máy lọc dầu Dung Quất chỉ mới đáp ứng được 1/3 nhu cầu trong nước và việc tham gia của PTT mang lại tín hiệu cạnh tranh tích cực mới trên thị trường nội địa.
Việt Nam là một quân bài quan trọng trong thế trận của PTT trong những năm tới, bên cạnh các quốc gia khác. Đó là trở thành người dẫn đầu ngành năng lượng trong khu vực Đông Nam Á một khi cộng đồng kinh tế chung cho toàn khu vực (AEC) ra đời vào cuối năm nay.
Tại Brunei, PTT đang mở rộng liên doanh với các công ty địa phương để khai thác và xuất khẩu dầu thô. Ở Campuchia, PTT cũng đã có mặt với việc xây dựng hệ thống cung cấp xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG). Tại Lào, PTT đang xây dựng một số dự án cung cấp dầu và thủy điện. Malaysia và Singapore là địa điểm để PTT kinh doanh thương mại dầu. Ở Philippines, PTT đang sở hữu hệ thống bán lẻ dầu. Đó là chưa kể tập đoàn này đã tham gia các dự án đầu tư lớn tại châu Âu, châu Phi và châu Mỹ.
Để tăng cường tiềm lực, mới đây PPT đã ký kết hợp tác với tập đoàn sản xuất điện lực lớn nhất Thái Lan là Ratchaburi Electricity Generating Holding để cùng phát triển các dự án khí thiên nhiên, than đá và sản xuất điện ở các quốc gia trong khu vực. “Chúng tôi thành lập một nhóm làm việc chung của Thái Lan để gia tăng sức cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế”, ông Nuttachat Charuchinda, Tổng Giám đốc phụ trách mảng xăng dầu của PTT, nói.
Dự án đầu tiên trong mối hợp tác này là xây dựng nguồn cung cấp khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) miền Nam Myanmar, gần khu công nghiệp nổi tiếng Dawei. Dự án này sẽ phục vụ cho các nhà máy nhiệt điện ở cả Thái Lan và Myanmar trong những năm tới.
Liệu có đủ sức?
Tham vọng lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ đối với PTT. Khó khăn chung trong năm nay của ngành cũng như tình trạng chưa chắc chắn của một số dự án đầu tư nước ngoài đã khiến PTT phải cắt giảm tổng giá trị đầu tư tới 28,6% xuống còn 1,62 tỉ USD. Tập đoàn này dự đoán mảng kinh doanh xăng sẽ sụt giảm mạnh do giá dầu thô giảm nhưng nhìn chung lợi nhuận được kỳ vọng sẽ vẫn ổn định.
Trong các năm gần đây, kết quả kinh doanh của PTT không thật sự khả quan. Doanh thu trong 3 năm qua chưa tăng trưởng mạnh. Mặc dù lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao (EBITDA) cải thiện khá tốt nhưng lợi nhuận ròng lại giảm từ 3,2 tỉ USD năm 2012 xuống còn 1,7 tỉ USD vào năm ngoái. Rõ ràng, yếu tố hiệu quả đang trở thành một trong những vấn đề trọng yếu buộc PTT phải cân nhắc lại trước khi tiến hành các thương vụ đầu tư lớn khác.
Tình hình doanh thu và lợi nhuận của PTT trong giai đoạn 2012-2014 đang có dấu hiệu chững lại |
Hãy quay trở lại với dự án Victory ở Việt Nam. Đại diện của PTT cho biết Tập đoàn cùng các đối tác nước ngoài đang tính toán nhiều cơ cấu tài chính với phần vốn góp và nợ vay, trong đó dự kiến sẽ nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức tín dụng xuất khẩu (ECAs). Nhưng sự tham gia của Chính phủ Việt Nam và các đối tác trong nước, bên cạnh cơ chế ưu đãi là các yếu tố cực kỳ quan trọng để dự án này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
“Chúng tôi cần những cam kết thực thi từ hai phía: các nhà tài trợ cho dự án và chính phủ Việt Nam để đảm bảo rằng rủi ro khi kinh doanh tại Việt Nam được hiểu, quản lý và giải quyết hợp lý”, đại diện của PTT nói.
Sơn Nguyễn