PPP gỡ nút thắt vốn xây dựng hạ tầng
Hình mẫu
Tại hội nghị giới thiệu dự án Dầu Giây - Phan Thiết ở Hà Nội cuối tuần trước, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: “Mục tiêu tái cơ cấu đầu tư công được đặc biệt quan tâm, Chính phủ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là tư nhân. Dự án Dầu Giây - Phan Thiết được Bộ GTVT và Ngân hàng Thế giới (WB) chuẩn bị kêu gọi theo chuẩn mực quốc tế, có ý nghĩa quan trọng trong tái đầu tư của VN. Chính phủ cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho dự án thành công, muốn thông qua dự án này tạo ra hình mẫu cho hình thức dự án PPP trong tất cả các lĩnh vực khác”.
Còn theo bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại VN, Ngân sách nhà nước không thể đảm bảo cho những công trình lớn với nhu cầu ước tính 40 tỉ USD/năm. “Rõ ràng không thể trông đợi vào ngân sách công và ODA được. Do vậy, mô hình hợp tác công tư được coi là thích hợp”, bà Victoria Kwakwa nói.
Được chuẩn bị từ năm 2007, trải qua các vòng road show (giới thiệu dự án) tại các thị trường tiềm năng Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, dự án Dầu Giây - Phan Thiết đang tìm kiếm nhà đầu tư thứ hai, sau nhà đầu tư thứ nhất đã được lựa chọn là Tập đoàn Bitexco. Ông In Suk Ko, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Bitexco, chia sẻ: “Chính phủ VN đã có quyết tâm trong việc thay đổi những chính sách, khuôn khổ pháp lý tạo điều kiện cho PPP được thực hiện tại VN. Nhà đầu tư tham gia dự án sẽ nhận được hàng loạt ưu đãi về vốn vay, vốn viện trợ không hoàn lại. Ngoài ra, Chính phủ VN cũng chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác giải phóng mặt bằng trong dự án này, với khoản kinh phí lên tới 107 triệu USD".
Không riêng gì Dầu Giây - Phan Thiết, hàng loạt dự án hạ tầng giao thông lớn cũng đang lựa chọn mô hình PPP như giải pháp tối ưu cho vấn đề vốn, trong bối cảnh vốn ngân sách hạn chế và vốn ODA ưu đãi sẽ thu hẹp dần trong thời gian tới. Hiện Bộ GTVT đang đề xuất một số dự án giao thông áp dụng theo hình thức PPP như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành… Nhiều địa phương như Đà Nẵng cũng đang đề xuất mô hình PPP cho các dự án lớn.
Tạo khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh
Trên thực tế, dù được đánh giá là mô hình tiềm năng, nhưng chưa có dự án PPP nào triển khai cụ thể tại VN. Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông, mô hình PPP rất mới và có nhiều chuẩn mực quốc tế phức tạp. Tuy nhiên, ông Đông cũng khẳng định Chính phủ đang hoàn thiện dần khuôn khổ pháp lý cho các dự án PPP, cũng như xây dựng các cơ chế đặc thù, tạo điều kiện mở cho các nhà đầu tư.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết dự án Dầu Giây - Phan Thiết đã xây dựng được cơ chế vốn riêng từ nguồn vốn vay ưu đãi, cũng là mô hình thí điểm tiên phong. Chính phủ đang nghiên cứu xây dựng một quỹ riêng cho giải phóng mặt bằng với các dự án PPP, ban đầu thí điểm dành 107 triệu USD cho dự án Dầu Giây - Phan Thiết.
Nghị quyết 103 của Chính phủ vừa ban hành về định hướng nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng và quản lý dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, cũng đề cập cần khẩn trương khắc phục những bất cập trong thu phí sử dụng kết cấu hạ tầng, theo hướng đảm bảo khả năng thu hồi vốn đầu tư, nâng cao cam kết chuyển đổi ngoại tệ, tăng cường biện pháp hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư theo mô hình PPP. Đây là những nút thắt cơ bản, nếu được tháo gỡ sẽ mở rộng cánh cửa cho các dự án PPP, thu hút nhiều sự quan tâm hơn của các nhà đầu tư tư nhân, nhất là nhà đầu tư nước ngoài.
(Theo TN)