Hải Minh Thứ Tư | 27/06/2018 13:30

PNJ vẫn sẽ duy trì được đà tăng trưởng

Bất chấp thông tin bất lợi gần đây, SSI Retail Research vẫn rất lạc quan về triển vọng kinh doanh của Công ty Cổ phần Vàng Bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ).

Gần đây, cổ phiếu PNJ chịu ảnh hưởng tiêu cực (giảm 12% từ 11/6 đến 20/6) liên quan đến tin tức về bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên thành viên HĐQT, đã làm việc tại công ty từ năm 1988 và từ nhiệm vào ngày 11/06/2018. Thị trường đã phản ứng ngay lập tức khi có thông báo bà Cúc gần đây bị khởi tố với tội danh sơ suất gây hậu quả nghiêm trọng, do Cục điều tra thuộc Bộ Công an thực hiện liên quan đến chức vụ Trưởng Ban Kiểm soát của bà tại Ngân hàng Đông Á (DAB). Điều này khiến tâm lý thị trường ngày càng suy yếu, thêm vào đó là sóng bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài trên toàn bộ chỉ số.

Công ty khẳng định lại rằng không có trách nhiệm pháp lý đối với vụ DAB, công ty đã trích lập dự phòng toàn bộ khoản đầu tư vào DAB (395 tỷ đồng) và thanh toán hết tất cả các khoản vay liên quan đến DAB. Về vai trò của bà Cúc tại PNJ, bà không còn là Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 31/05/2017 và không còn hoạt động quản lý tại PNJ sau đó. Bà được bầu làm Trưởng Ban Kiểm soát DAB với tư cách là cổ đông độc lập của ngân hàng - không phải thành viên bổ sung từ HĐQT PNJ.

PNJ gần đây đã công bố kết quả kinh doanh 5 tháng đầu năm 2018. Doanh thu thuần đạt 6.489 tỷ đồng (tăng 34% so với cùng kì và hoàn thành 46,1% kế hoạch năm); tổng doanh thu trang sức và vàng miếng đạt 4.737 tỷ đồng ( tăng 36% so với cùng kỳ). Lợi nhuận gộp đạt 1.149 tỷ đồng (ước tính tăng 42% so với cùng kì) và lợi nhuận trước thuế đạt 580 tỷ đồng (tăng 40% so với cùng kì), hoàn thành 53% kế hoạch năm.

Trong năm 2018, tiếp nối thành công từ năm 2017, kế hoạch chiến lược của ban lãnh đạo năm nay là nâng cao thị phần và khẳng định vị trí dẫn đầu về chế tác và bán lẻ trang sức và duy trì vị thế số 1 trong phân khúc trang sức cao cấp tại Việt Nam.

Trong năm 2017, do thu nhập tầng lớp trung lưu và thượng lưu ngày càng tăng, nhu cầu trang sức tại Việt Nam tăng 7% so với năm 2016 (theo Hội đồng vàng thế giới - WGC) và luôn cao hơn các nước khác trong khu vực (ngoại trừ Hồng Kông). Với 269 cửa hàng bán lẻ hiện có, ban lãnh đạo công ty nhận thấy vẫn còn rất nhiều tiềm năng mở rộng mạng lưới bán lẻ, và tiến hành tập trung vào bán trang sức vàng, đây là mục tiêu hàng đầu trong năm 2018.

SSI Retail Research giữ nguyên dự báo về triển vọng kinh doanh của PNJ đưa ra vào ngày 10.5 vừa qua. Cụ thể, theo dự báo này, năm 2018 PNJ sẽ đạt 13,5 nghìn tỷ đồng doanh thu và 900 tỷ đồng lợi nhuận ròng (tăng lần lượt 23% và 24% so với năm 2017). Giả định chính của SSI Retail Research là doanh thu trang sức vàng tăng 27% với tỷ lệ tăng trưởng doanh thu cửa hàng hiện hữu (SSSG) là 20% và tỷ suất lợi nhuận gộp là 19,6%, doanh thu trang sức bạc tăng 26% với tỷ suất lợi nhuận gộp là 70%; doanh thu vàng miếng và các sản phẩm khác tăng 10,4% với tỷ suất lợi nhuận gộp là 2,8%.

Cơ sở cho nhận định này là đà tăng trưởng mạnh mẽ, đà mở rộng và tiềm năng lợi nhuận cho năm 2018, PNJ với mức cạnh tranh thấp có thể hưởng lợi từ cơ hội thị trường. Theo WGC, nhu cầu trang sức trong quý I tại Việt Nam tăng 12% YoY, cao hơn hầu hết các nước châu Á khác. Do đó, SSI Retail Research duy trì quan điểm tích cực trong trung hạn về tăng trưởng của PNJ.

Về định hướng phát triển, ban lãnh đạo của  công ty sẽ tiếp tục đầu tư vào phát triển công nghệ và tận dụng điều này để mở rộng hoạt động marketing. Công ty sẽ tiến hành thâm nhập thị trường trực tuyến bằng cách tập trung vào phương pháp xây dựng lòng trung thành của khách hàng. Công ty cũng mở 40 cửa hàng bán lẻ trong năm 2018; tập trung vào các cửa hàng PNJ Gold hay PNJ Gold & Silver; mở rộng mạng lưới bán lẻ tại miền Bắc (hiện chỉ chiếm 8% tổng doanh thu), cũng như miền Trung và khu vực Tây Nguyên; với tổng số cửa hàng bán lẻ đạt 309 cửa hàng tính đến ngày 31/12/2018 (tăng 15% so với năm 2017).

Đồng thời, PNJ đã quyết định thành lập 2 công ty con là Công ty TNHH MTV Chế tác và Kinh doanh trang sức PNJ và Công ty TNHH MTV Kỷ Nguyên Khách hàng. Công đầu tiên sẽ tập trung vào phân khúc xuất khẩu hàng bán buôn và nhập khẩu các sản phẩm mới từ ASEAN để phân hóa danh mục sản phẩm hiện tại, cụ thể là trang sức bạc, với kỳ vọng tăng 30% danh mục sản phẩm mới. Công ty thứ 2 có vốn điều lệ 20 tỷ đồng. Công ty con này sẽ tập trung vào quản lý big data và digital marketing. Sản phẩm chính là đồng hồ và kính.

Ngoài ra, PNJ cũng đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm: (i) hệ thống ERP, bao gồm giấy phép phần mềm, tư vấn, phần cứng và cơ sở hạ tầng lên tới 6,5 triệu USD và (ii) Chuyển đổi kỹ thuật số: Quản lý quan hệ khách hàng (CRM), Nhận dạng bằng tần số vô tuyến (RFID) có giá trị lên tới 1,8 triệu USD (vào năm 2018 và 2019).

 ERP là một trong những dự án quan trọng nhất của PNJ, cùng với việc phát triển hệ thống thương mại điện tử O2O cho công ty trong giai đoạn 2018-2019 để xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi kỹ thuật số và big data để hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra quyết định. Học hỏi kinh nghiệm của các tập đoàn bán lẻ khác trên thế giới, ban lãnh đạo tin rằng khoản đầu tư này rất quan trọng để theo kịp xu hướng thương mại điện tử mới, để đảm bảo khả năng cạnh tranh và duy trì tăng trưởng bền vững trong dài hạn.

Mở rộng bán lẻ vẫn là động lực thúc đẩy tăng trưởng của PNJ, và các cửa hàng mới tiếp tục đạt kết quả mạnh mẽ, với tăng trưởng doanh thu đạt 20% -30% tính theo năm sau 1 năm hoạt động. SSI Retail Research cho rằng PNJ có thể hoàn thành kế hoạch năm 2018.

Về giá cổ phiếu, SSI Retail Research nhắc lại khuyến nghị mua cổ phiếu PNJ, với mức giá mục tiêu 1 năm là 144.000 đồng / cp (tăng 35% so với giá hiện tại).

Nguồn SSI Retail Research