PMI tháng 7 giảm còn 51,9 điểm, sản xuất tăng chậm lại
Nikkei cho biết, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam đã giảm từ mức 52,6 điểm trong tháng 6 xuống còn 51,9 điểm trong tháng 7. Kết quả chỉ số cho thấy các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất đã cải thiện trong 8 tháng liên tiếp, mặc dù kết quả này thấp nhất kể từ tháng 3.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng trong tháng 7 nhưng tốc độ tăng có chậm lại một chút so với tháng trước, cho thấy mức tăng yếu hơn của số lượng đơn đặt hàng mới, sản lượng và việc làm.
Mặc dù tăng chậm nhưng số lượng đơn hàng mới tăng cho thấy nhu cầu khách hàng đã cải thiện. Theo đó, sản lượng tăng trong cả 8 tháng qua, tuy nhiên tốc độ tăng ở mức thấp nhất 4 tháng. Lĩnh vực sản xuất hàng hóa tiêu dùng và hàng hóa đầu tư cơ bản đều có sản lượng tăng, trong khi lĩnh vực hàng hóa trung gian lại có sản lượng giảm.
Mức độ tạo việc làm trong tháng 7 đã chậm lại và yếu nhất trong thời kỳ tăng việc làm kéo dài 4 tháng qua. Nhưng các công ty vẫn tiếp tục tuyển thêm nhân viên để đáp ứng số lượng đơn hàng mới tăng.
Chỉ số PMI của Việt Nam. Nguồn: Nikkei, IHS Markit |
Giá cả đầu vào tăng với tốc độ nhanh hơn, với mức tăng giá gần như ngang bằng với mức trung bình của lịch sử chỉ số. Các nhà sản xuất đã cố gắng tăng dự trữ hàng hóa đầu vào tháng 7, với mức tồn kho hàng mua tăng với tốc độ nhanh nhất trong lịch sử chỉ số.
Andrew Harker, tại Markit, công ty thu thập kết quả khảo sát, bình luận về mức tăng thấp của chỉ số PMI Việt Nam rằng tình trạng này giống như đã xảy ra trong phần lớn thời gian của năm trước, khi tăng trưởng tăng nhanh và sau đó chậm lại trong vài tháng sau đó mà không có một giai đoạn duy trì tăng trưởng mạnh mẽ. "Các công ty hy vọng nhu cầu sẽ mạnh lên trong thời gian từ nay đến cuối năm 2016 để duy trì đà tăng trưởng", ông nói.
Nhật Duy