PMI tháng 11 tăng vọt lên 54 điểm, cao nhất 18 tháng
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) toàn phần lĩnh vực sản xuất Việt Nam của Nikkei - một chỉ số tổng hợp về tình trạng ngành sản xuất - đã tăng từ 51,7 điểm trong tháng 10 lên 54 điểm trong tháng 11, cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của sức khỏe lĩnh vực sản xuất, và đây là mức cải thiện mạnh nhất trong một năm rưỡi. Các điều kiện đã cải thiện trong suốt một năm qua.
Số lượng đơn đặt hàng mới đã tăng mạnh và ngày càng nhanh trong tháng 11, với tốc độ tăng nhanh tháng thứ ba liên tiếp, mạnh nhất kể từ tháng 5/2015. Nhu cầu khách cải thiện khiến số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng nhanh hơn, dẫn đến số lượng đặt hàng cả trong và nước ngoài đều tăng.
Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã làm hoạt động sản xuất tăng trở lại sau khi giảm trong tháng 10. Sản lượng tăng mạnh và nhanh nhất trong vòng 16 tháng qua.
Lượng công việc tồn đọng chỉ thay đổi một chút trong tháng 11 khi sản lượng đã tăng trước áp lực sản xuất, nhưng đồng thời số lượng đơn đặt hàng mới cũng tăng.
Đơn vị khảo sát cũng cho biết, với số lượng đơn đặt hàng mới tăng, các nhà sản xuất Việt Nam đã phải tuyển thêm nhân viên, với tốc độ tuyển dụng nhanh hơn so với tháng trước. Như vậy, việc làm đã tăng trong suốt tám tháng qua. Các công ty cũng tăng nhanh hơn hoạt động mua hàng, và mức tăng gần đây là mạnh nhất kể từ tháng 3/2011.
Chỉ số PMI ngành sản xuất Việt Nam. Nguồn: Nikkei, IHS Markit |
Với nhu cầu hàng hóa đầu vào tăng và có một số báo cáo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung, tốc độ tăng chi phí đầu vào đã nhanh hơn đáng kể trong tháng 11. Mức tăng gần đây là mạnh nhất trong 30 tháng. Giá cả đầu ra cũng tăng nhanh hơn và là mức tăng mạnh nhất trong thời kỳ năm năm rưỡi.
Ngoài ra, các nhà sản xuất Việt Nam đã tăng lượng hàng dự trữ trong tháng, từ đó làm tăng tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm. Mức tăng hàng tồn kho trước sản xuất chỉ yếu hơn một chút so với tháng trước, trong khi hàng tồn kho thành phẩm đã tăng với tốc độ nhanh nhất trong một năm rưỡi.
Nhật Duy