Pizza 4P’s đã giỏi xoay xở để thích ứng với biến động của thị trường khi trở thành 1 trong 3 chuỗi pizza báo lãi.Ảnh: TL.

 
Nguyễn Mai Chủ Nhật | 28/04/2024 07:30

Pizza 4P’s sạch nợ, F&B vào pha mới

Tình hình kinh doanh thuận lợi của Pizza 4P’s cho thấy sự phục hồi của thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) sau đại dịch.

Mới tầm 19 giờ tối, dù không phải ngày cuối tuần nhưng nhà hàng Pizza 4P’s trên đường Hai Bà Trưng (quận 3, TP.HCM) không còn bàn trống và thực khách phải xếp hàng chờ khá dài. Chốc chốc lại có tài xế xe công nghệ tới lấy hàng và cũng phải xếp hàng dài.

Thị trường ăn uống khởi sắc

Cảnh kinh doanh tấp nập này giúp chuỗi nhà hàng Pizza 4P’s gần đây công bố tin vui khi năm ngoái lợi nhuận tăng hơn 38% lên khoảng 115 tỉ đồng, cao nhất từ năm 2018 đến nay. Đáng chú ý, đến hết năm 2023 nợ phải trả của Pizza 4P’s giảm nhẹ về khoảng 208 tỉ đồng và sạch nợ trái phiếu. Đây là tình hình tích cực đối với chuỗi nhà hàng này khi 2 năm do ảnh hưởng của COVID-19 lần lượt lỗ 20,8 tỉ đồng và xấp xỉ 38 tỉ đồng.

Có thể thấy Pizza 4P’s đã giỏi xoay xở để thích ứng với biến động của thị trường khi trở thành 1 trong 3 chuỗi pizza báo lãi. Trước hết, khó khăn trong đi lại của đại dịch đã khiến Pizza 4P’s phải thay đổi phương thức bán hàng, chấp nhận giao hàng và sản phẩm cấp đông. Chính nhờ thay đổi này giúp Công ty tồn tại được trong mùa đông COVID-19. Tiếp đó, Công ty tiếp tục mở thêm gian hàng chính hãng trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada..., qua đó có thêm tập khách hàng mới.

Bên cạnh đó, cuối năm 2021 sau khi Công ty Quản lý Quỹ Mekong Capital thông báo Mekong Enterprise Fund III (MEF III) hoàn tất thoái  vốn, Quỹ Cool Japan đã rót 10 triệu USD vào Pizza 4P’s. Nhờ nguồn vốn mới, Pizza 4P’s có tiềm lực để triển khai các kế hoạch kinh doanh mới, gia tăng doanh thu, đặc biệt tận dụng được xu hướng ăn uống giữ gìn sức khỏe của người dân Việt Nam. Và sau khi dịch bệnh đi qua, Pizza 4P’s đã kịp vận hành tốt theo mô hình mới và đạt kết quả kinh doanh khả quan. Hiện tại, Pizza 4P’s có 31 nhà hàng tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Nha Trang, Đà Nẵng.

Ngoài thị trường Việt Nam, chuỗi pizza này cũng có 2 nhà hàng ở Campuchia, 1 tại Nhật và sắp tới là Ấn Độ. Bên cạnh mô hình nhà hàng, Pizza 4P’s còn sản xuất, kinh doanh phô mai và bán lẻ sản phẩm từ bơ sữa với quy trình khép kín. Công ty cung cấp các sản phẩm này cho khoảng 300 cửa hàng (chủ yếu là khách sạn 5 sao, nhà hàng cao cấp) và bán trực tiếp, trực tuyến trong hệ thống nhà hàng pizza 4P’s. Đây là thử thách đối với chuỗi nhà hàng như Pizza 4P’s khi vào năm ngoái Golden Gate, chuỗi vận hành Kichi-Kichi, Gogi House, Manwah..., phải giảm hơn 2.700 nhân viên, lãi 139 tỉ đồng, bằng 1/5 cùng kỳ.

Cạnh tranh gay gắt hơn

Tình hình kinh doanh thuận lợi của Pizza 4P’s cho thấy sự phục hồi của thị trường F&B sau đại dịch. Bất chấp nhiều thách thức, doanh thu ngành F&B năm 2023 đạt 590,9 tỉ đồng, tăng 11,47%. Theo iPOS.vn, có đến 79,6% doanh nghiệp F&B đánh giá tình hình kinh doanh có triển vọng tốt, 50% cửa hàng sẵn sàng mở rộng quy mô trong năm 2024... 

Ông Vũ Thanh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần iPOS.vn, nhờ có tiềm năng và tác động tích cực gián tiếp từ du lịch nên doanh thu dịch vụ ẩm thực khởi sắc hơn trong năm 2023. Đáng chú ý, theo ông Đỗ Duy Thanh, Giám đốc FnB Director, năm 2023 chứng kiến sự tăng trưởng vượt bậc của ngành kinh doanh nhà hàng trung và cao cấp, không chỉ bởi số lượng gia tăng tương ứng của nhóm khách hàng trung lưu mà còn từ hiệu ứng giải thưởng Michelin tại Việt Nam. Báo cáo của iPOS.vn cho thấy doanh thu thị trường ăn ngoài năm 2023 hồi phục sát mốc trước dịch COVID-19, đạt gần 540.000 tỉ đồng.

Với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng trong đầu tư F&B. Khi đời sống được nâng cao, người Việt đang sẵn sàng chi trả cho những trải nghiệm ăn uống thú vị và chất lượng. Mặt khác, là một ngành có vòng quay doanh thu và lợi nhuận nhanh, F&B đang thu hút nguồn tiền đầu tư trong bối cảnh nhiều ngành khác đang  hấp thụ vốn kém. 

Tuy nhiên, mảng kinh doanh F&B ngày càng cạnh tranh quyết liệt hơn với sự xuất hiện của nhiều đối thủ trong và ngoài nước, cùng nhiều trào lưu ẩm thực thay đổi liên tục. Ngoài ra, những thách thức về nguyên liệu, mặt bằng và chi phí đầu vào cũng ngày càng tăng cao, ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Theo CBRE, tại TP.HCM, giá thuê trung bình khu vực trung tâm gần ngưỡng 240 USD/m2/tháng, tăng 6% so với năm trước.

Vì thế, theo đánh giá của iPOS.vn, cuộc chiến cạnh tranh trong ngành F&B trong năm 2024 sẽ ngày càng gay gắt hơn, khi khách hàng có xu hướng phân hóa cao, một nhóm khách hàng lớn sẽ chỉ lựa chọn sản phẩm khi họ thấy có tiện và lợi. Các xu hướng mới về ẩm thực sẽ “dễ đến dễ đi”, sau khi khách hàng đã thỏa trí tò mò.

Bà Jovel Chan, cố vấn F&B, sáng lập Saigon Social, khuyến nghị các doanh nghiệp vừa và nhỏ ngành F&B cần phải nâng cấp năng lực cạnh tranh từ các sản phẩm, dịch vụ và cả nhân lực. Nếu nắm bắt được cơ hội cùng sự chuyển đổi số, đây là thời điểm lý tưởng để doanh nghiệp vừa củng cố nền tảng, vừa xây dựng kế hoạch để tăng tốc.

Có thể bạn quan tâm:

Vòng xoáy mới của sá xị Chương Dương