Pico bắt tay đối tác ngoại: Cục diện mới của thị trường điện máy
Bởi với việc cả ba “đại gia” hàng đầu là Nguyễn Kim, Trần Anh và Pico đều bắt tay với đối tác ngoại áp lực sẽ rất lớn lên các DN phân phối điện máy nhỏ lẻ đang hoạt động.
Mặc dù các bên có liên quan chưa chính thức xác nhận thông tin Cty Pico bán cổ phần cho đối tác nước ngoài, nhưng rõ ràng nếu co, đây sẽ là một tin vui giúp DN này thoát khỏi bờ vực phá sản. Pico không phải là hiện tượng mà là một xu thế tất yếu.
Cộng sinh hay khai tử?
Chưa bao giờ thị trường điện máy nói riêng và các DN phân phối bán lẻ nói chung bước vào thời kỳ cạnh tranh khốc liệt như hiện nay. Cuộc chiến về giá đã tạo ra áp lực rất lớn về vốn cũng như bào mòn lợi nhuận của các DN. Từ chỗ lợi nhuận 30-40%, biên lợi nhuận của các chuỗi siêu thị điện máy hiện chỉ đạt mức 5% đã được coi là lý tưởng. Hệ quả tất yếu là có những DN đã phải rời bỏ thị trường.
Sau WonderBuy chính thức dừng hoạt động đến lượt Best Carings, HomeOne cũng lần lượt đóng cửa. Nhiều chuỗi siêu thị điện máy nhỏ lẻ Hà Nội cũng đang bên bờ vực phá sản.
Trước áp lực của thị trường, đầu năm 2015, Power Buy – đơn vị thuộc Tập đoàn Central Group của tỷ phú Thái Lan vừa mua lại 49% cổ phần của Cty Đầu tư phát triển công nghệ và giải pháp mới NKT (NKT) – đơn vị sở hữu Cty Thương mại Nguyễn Kim.
Cách đây không lâu, cổ đông ngoại của CTCP Điện máy Trần Anh – Aureos South East Asia Fund, L.L.C (gọi tắt là quỹ Aureos) vừa chuyển nhượng toàn bộ quyền sở hữu 3,7 triệu cổ phần cho tập đoàn bán lẻ điện máy Nhật Bản Nojima. Số cổ phần chuyển nhượng này tương đương với tỷ lệ 21%, theo đó nâng tỷ lệ sở hữu của Nojima tại Trần Anh lên con số 30,92%. Với giao dịch này, tập đoàn Nhật Bản cũng chính thức trở thành cổ đông ngoại lớn nhất của Trần Anh.
Có một điểm chung sau cả hai thương vụ trên là đều mở ra những cơ hội hồi sinh, phát triển cho các DN.
Đại diện truyền thông của Central Group chia sẻ trên báo chí rằng việc mua cổ phần của Nguyễn Kim sẽ giúp Cty mở rộng hệ thống bán lẻ điện máy tại VN. Central Group đã công bố kế hoạch phát triển đầy tham vọng cho Nguyễn Kim sẽ đạt 50 siêu thị vào năm 2019.
Đối với Trần Anh, theo kế hoạch, trong năm 2015, Cty sẽ mở thêm 4 – 5 siêu thị mới ở các tỉnh phía Bắc và 3 – 4 siêu thị mới ở Hà Nội, nâng tổng số chuỗi siêu thị lên con số trên 20.
Chọn lọc và đào thải
Trở lại với trường hợp của Pico, Thành lập từ tháng 7/2007 với số vốn đầu tư ban đầu 15 tỷ đồng, nhưng Pico nhanh chóng được giới đầu tư cũng như người tiêu dùng biết đến khi liên tục gia tăng chuỗi siêu thị điện máy.
Thời gian đầu, doanh số của Pico liên tục tăng trưởng, có lúc Cty đạt mức doanh thu 3.000 tỷ đồng/năm. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, sức mua kém, cạnh tranh của thị trường khốc liệt khiến Pico phải giảm dần quy mô. Sau khi chi nhánh tại TP HCM được chuyển nhượng cho Lotte và đóng cửa siêu thị số 35 Hai Bà Trưng (Hà Nội), hiện tại Pico chỉ còn 6 siêu thị, nhưng đa phần nằm ở khu vực đắc địa của thủ đô Hà Nội.
Vài tuần trở lại đây giới kinh doanh điện máy liên tục bàn tán về thông tin Tập đoàn Central Group của tỷ phú Chirathivat, người giàu nhất Thái Lan đang thương thảo để thâu tóm hệ thống siêu thị điện máy Pico. Theo đó, đại gia Thái Lan có thể sẽ mua lại 49% cổ phần của Pico như từng mua Nguyễn Kim.
Cũng có thông tin Nguyễn Kim sẽ mua lại cổ phần của Pico, nhưng nếu trường hợp đó xảy ra cũng chỉ là cách đi đường vòng để Central Group thâu tóm Pico.
Một doanh nhân hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực phân phối bán lẻ từng chia sẻ rằng: M&A với đối tác nước ngoài là cơ hội cuối cùng của các DN phân phối VN nếu muốn tồn tại và phát triển. Nếu bán được, phải bán ngay. Việc hợp tác được với đối tác ngoại không chỉ chứng tỏ năng lực, giá trị của DN mà còn mở ra cơ hội phát triển trong tương lai.
Giới đầu tư nhận định, nếu thương vụ sáp nhập giữa Pico và Central Group thành công thì hệ thống siêu thị của Pico sẽ được mở rộng lên 20 siêu thị trong tương lai và Central Group có thể mở rộng hoạt động thị trường tại VN.
Có thể, Pico sẽ là một trong số những DN kinh doanh điện máy hiếm hoi, may mắn có cơ hội được đối tác nước ngoài quan tâm. Nhưng may mắn của Pico cũng đem lại rủi ro cho nhiều DN khác cùng lĩnh vực kinh doanh. Sau Nguyễn Kim, Trần Anh, những anh cả trên thị trường điện máy đều phải “bán mình” có thể hình dung cục diện thị trường phân phối điện máy sẽ sớm được thiết lập lại, chỉ còn nằm trong tay một số ít các “đại gia” bán lẻ.
Và như vậy cơ hội phát triển cho các DN phân phối điện máy nhỏ lẻ là không nhiều nếu không muốn nói nguy cơ bên bờ vực phá sản đang hiện hữu.
Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp