Phương thức nào thoái vốn hợp lý?
Nhìn nhận việc thoái vốn Nhà nước tại 10 DN, ông Nhữ Đình Hòa, Tổng Giám đốc Cty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết: “Nhìn vào danh sách các DN Chính phủ cho phép SCIC thoái vốn và giữ lại trong lần này là “bán các DN tốt” trong khi “giữ lại các DN ở nhóm trung bình”. Nếu đứng ở góc độ của một quỹ đầu tư thì điều này là không hợp lý. Tuy nhiên, nếu nhìn ở góc độ lợi ích của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung thì tôi cho rằng, đây là quyết định đúng đắn. Bởi khi Nhà nước thoái vốn tại các DN này sẽ tạo cơ hội sở hữu và tham gia vào hoạt động quản trị lớn hơn cho các nhà đầu tư tổ chức khác, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài.
Theo ông Đặng Quyết Tiến – Cục phó Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho biết, thời điểm bán vốn tại 10 DN này do SCIC chủ động đảm bảo lợi ích cao nhất. Tuy nhiên, việc quyết định lựa chọn phương án nào thoái vốn cụ thể, đến thời điểm này SCIC chưa khẳng định. Theo quy định, SCIC phải rà soát toàn bộ những DN lớn như VNM, FPT, BMI… khi cần thiết thoái vốn theo định hướng chiến lược và ở thời điểm đạt được lợi ích cao nhất thì SCIC sẽ quyết định thực hiện thoái vốn…
Cũng theo ông Tiến, thường khi thoái vốn khỏi những DN niêm yết trên sàn, SCIC thoái theo phương thức thỏa thuận hoặc khớp lệnh. Trong đó, thỏa thuận ngoài sàn thường đạt được mức giá tốt hơn. “Đối với những DN chưa niêm yết, SCIC sẽ bán đấu giá. Có thể bán đấu giá một phần hoặc toàn bộ, SCIC hiện đang áp dụng cách bán đấu giá trọn lô… Bên cạnh đó, việc thoái vốn của SCIC sẽ có kế hoạch cụ thể và đảm bảo không làm ảnh hưởng tới hoạt động của DN, không làm ảnh hưởng tới việc làm người lao động cũng như không gây biến động trên thị trường.
Cùng với 10 DN thí điểm thoái vốn đợt đầu thì theo Đề án tái cơ cấu của SCIC là đến 376 DN nằm trong diện phải thoái vốn đến năm 2015.
Tuy nhiên, trong lúc chờ thoái vốn đợt 2, thì các “ông lớn” đợt 1 cần có lộ trình thoái vốn càng sớm càng tốt. Theo ông Dominic Scriven – TGĐ Dragon Capital, TTCK trong nước đang cạn tài nguyên và mất sức hấp dẫn. Rất nhiều nhà đầu tư ở nước ngoài muốn đầu tư vào chứng khoán VN nhưng gặp nhiều rào cản. Nhưng điều đáng nói, dù đã thuyết phục họ đến với TTCK VN thì hầu như hàng hóa lại không hấp dẫn để đầu tư. Đây có thể là một nguyên nhân lớn khiến năm 2014 kiều hối đưa về 12 tỉ USD, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 12 tỉ USD, trong khi trên TTCK chỉ thu hút thêm 122 triệu USD.
Vì vậy, việc thoái vốn nhà nước khỏi các DN lớn như VNM, FPT, BMI… theo các chuyên gia là một sự đột phá cho thị trường, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận nhiều hơn với những cổ phiếu blue-chips trên thị trường. Nới room đã từ lâu được coi là chìa khóa thúc đẩy TTCK VN tăng trưởng. TTCK VN hiện tại có quy mô chỉ bằng 1/8 TTCK Singapore, nếu được thoái vốn từ các “ông DNNN lớn” thì thị trường sẽ hấp dẫn nhất khu vực… Tuy nhiên, lộ trình thoái vốn không rõ ràng nên không ít nhà đầu tư thất vọng – ông Dominic chia sẻ…
Theo đề án, SCIC được quyền lựa chọn thời điểm đến khi giá phù hợp, hiện SCIC đang lên kế hoạch thoái vốn và đợt thoái vốn đầu tiên có kịp nằm trong 2 tháng cuối năm 2015 hay không vẫn là một ẩn số? Theo chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu- chỉ cần SCIC có lộ trình bán vốn cụ thể, sẽ có nhiều cổ đông ngoại nhảy vào… Trong số các cổ đông hiện hữu của VNM, Fraser & Neave – hiện đang nắm giữ 11% – cũng có thể sẽ là ứng viên sáng giá tham gia mua thêm cổ phần. F&N đầu tư vào VNM từ khi DN này cổ phần hóa và trong năm 2014 đã F&N đã chi thêm 100 triệu USD để gia tăng sở hữu tại VNM.
Theo các chuyên gia, việc SCIC đưa ra thời gian cụ thể sẽ giúp nhà đầu tư tin tưởng vào quyết tâm của nhà nước trong việc triển khai bán vốn nhà nước… Và họ sẽ nhảy vào sân chơi hấp dẫn này đồng hành cùng DN hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới… Chỉ cần “đầu xuôi đuôi lọt” thoái vốn đợt một thì đợt hai sẽ hanh thông khi 376 DN nằm trong danh sách thoái vốn năm 2015 có nhiều cơ hội tiếp thêm sức mạnh từ dòng vốn ngoại…
Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp