Thanh Hương Thứ Sáu | 05/10/2018 09:19

Phương Nam oằn mình trả nợ

Chia tay CJ CGV, Phương Nam bạo tay trả cổ tức sau 7 năm im hơi lặng tiếng với cổ đông. Phương Nam đã ra khỏi vùng tối thành công?

Cắn răng bán "con cưng"

Khoản dự chi cổ tức tỷ lệ 20% của Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam (PNC) không phải quá nhiều, nhưng so sánh trong tình hình kinh doanh của PNC trong suốt mấy năm nay thì đây là một bước tiến thành công.

Có tiền, PNC cũng đưa ra kế hoạch doanh thu từ 800 tỉ đồng xuống 741 tỉ đồng, lợi nhuận lại từ 20 tỉ lên 144,6 tỉ đồng. Nhờ đó, công ty dự kiến bù đắp hết lỗ lũy kế và có lãi 38,7 tỉ đồng.

Tính đến 6 tháng đầu năm, công ty mới đạt 337 tỉ đồng doanh thu thuần và 7,8 tỉ đồng lãi sau thuế. Như vậy, 6 tháng cuối năm, PNC kỳ vọng đạt doanh thu 404 tỉ và lợi nhuận sau thuế 136,8 tỉ đồng.

Trước đó, năm 2017, tình hình kinh doanh của PNC cũng bết bát khi lũy kế cả năm  doanh thu thuần lỗ ròng hơn 66,51 tỉ đồng trong khi cùng kỳ lãi gần 2 tỉ đồng, lọi nhuận sau thuế âm 105,86 tỉ đồng. Năm 2016, lợi nhuận sau thuế âm 39.35 tỉ đồng. Cổ phiếu công ty đã chính thức bị đưa vào diện kiểm soát.

Chưa dừng lại ở đó, còn đang vướng vào những khoản nợ đến kỳ phải trả. Trong khi, khoản tiền mặt lại còn rất ít. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, đến cuối năm 2017, PNC chỉ còn hơn 12 tỷ đồng tiền và tương đương tiền, so với gần 38 tỷ đồng vào đầu năm.

Trong khi khoản nợ vay 7 triệu USD và 18,1 tỉ đồng từ 2 đối tác đang đến kỳ trả nợ, khoản nợ này không được gia hạn và đã được thế chấp bằng toàn bộ phần vốn góp của PNC trong CGV Việt Nam.

Như vậy, PNC chịu áp lực phải bán cổ phần ở CGV Việt Nam cho mục đích chủ yếu là trả nợ. Mức giá bán được cho là quá rẻ, bởi từ năm 2011, khi quyết định mua lại CGV Việt Nam, CJ CGV Hàn Quốc đã định giá CJV lên tới 100 triệu USD.

Đến 2.2018, quy mô CGV đã tăng gấp 5 lần, giữ thị phần lớn nhất thị trường với 49% và ghi nhận doanh thu năm 2017 gần 2.800 tỉ đồng. Quy mô của CJV đang ngày càng phình to, từ nay đến 2020, CJV sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng.

Có lẽ đây là giải pháp cuối cùng của pnc, vì phần vốn góp tại CGV Việt Nam là “gà đẻ trứng vàng” mang về cho PNC mỗi năm vài chục tỉ đồng, giúp PNC duy trì mức lỗ thấp.

Ở lần chào bán đầu, thu về 160 tỉ đồng, PNC cơ bản thu xếp xong nợ và lãi vay. Tuy nhiên, ngoài trả nợ cho đối tác, nhà cung cấp, PNC vẫn cần tiếp tục thoái vốn để bổ sung vốn lưu động và trả cổ tức.

Phuong Nam oan minh tra no
 

Quay về cốt lõi

PNC cũng đang cần tiền để đầu tư thêm vào mảng bán lẻ nhà sách. Ông Nguyễn Hữu Hoạt, phó Chũ tịch HĐQT PNC, cho biết bán lẻ nhà sách đang góp hơn 90% doanh thu cho PNC, tăng trưởng bình 30%/năm. Mảng này cho biên lợi nhuận gộp trung bình hơn 30%/năm nên chiến lược hiện tại và sắp tới của PNC là tập trung vào phát triển chuỗi nhà sách Phương Nam. 

Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam sở hữu 100% vốn tại 6 công ty con, gồm sách Phương Nam, Công ty VPP Phương Nam, In Phương Nam, bán lẻ Phương Nam và Công ty Giải trí – Truyền thông Phương Nam.

Ngoài ra, còn có 4 đơn vị liên kết, trong đó có Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam (Phương Nam nắm 20% vốn). Đây là đơn vị sở hữu hệ thống rạp chiếu phim CGV, lớn nhất cả nước hiện nay.

Trước khoản lỗ và khoản nợ trên PNC lý giải, tình hình kinh doanh khó khăn trên chủ yếu xuất phát từ việc thực hiện tái cấu trúc, xử lý một số tài sản không phù hợp với chiến lược hoạt động kinh doanh thay đổi sau khi có sự thay đổi cổ đông lớn của doanh nghiệp.

“Những yếu tố trên cho thấy PNC khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn và do vậy, khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn là không chắc chắn", PNC thừa nhận trong văn bản.

Trong báo cáo thường niên 2018, ban lãnh đạo Công ty cho biết trong năm 2017 công ty đã phát triển hệ thống bán lẻ với 11 nhà sách mới tại trên toàn quốc. Qua đó, nâng tổng số nhà sách của công ty đang hoạt động lên con số 57.

Năm 2018, Công ty sẽ tập trung tái cơ cấu hoạt động bán lẻ và tăng vốn để bù đắp lỗ lũy kế, giải quyết nhu cầu vốn kinh doanh.