Phương án giảm vốn điều lệ của SBS có thể bị bác bỏ
Kết thúc phương án này (khoảng tháng 11/2012), nếu được Ủy ban chứng khoán (UBCK) thông qua, SBS sẽ trở thành một công ty có vốn điều lệ 800 tỷ đồng (hiện tại vốn điều lệ SBS là 1.266 tỷ đồng), vốn chủ sở hữu 800 tỷ đồng vào tháng 11/2012.
Đây là phương án tái cấu trúc được Ban lãnh đạo SBS công bố xin ý kiến cổ đông ngày 22/8/2012 trong bối cảnh SBS đã bị rơi vào tình trạng bị kiểm soát đặc biệt kể từ tháng 8/2012. Tại thời điểm 30/6/2012, công ty có tổng tài sản 1.480 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 256 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối âm 1.772 tỷ đồng .
Như vậy, nếu được cổ đông thông qua và UBCK chấp thuận phương án trên, SBS sẽ là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam thực hiện gộp cổ phiếu và giảm vốn điều lệ. Một lãnh đạo thuộc SBS cho biết, phương án trên sẽ giúp công ty nhanh chóng có được một báo cáo tài chính tốt, mà không phải chi quá nhiều tiền. Bởi vì nếu giữ vốn điều lệ lớn, SBS vừa phải ghi nhận một khoản lỗ lũy kế quá lớn, vừa phải ghi nhận một khoản hụt vốn chủ sở hữu so với vốn điều lệ.
Trong trường hợp của SBS, việc trái chủ chấp nhận phương án chuyển đổi từ trái phiếu thành cổ phiếu là một điều khó khăn. Việc trái chủ chấp nhận gộp cổ phiếu càng khó khăn hơn, bởi với phương án gộp cổ phiếu trên, các trái chủ tính ra phải bỏ 38.000 đồng để mua một cổ phiếu SBS có giá trị sổ sách 10.000 đồng.
Ngoài ra, về phương án tái cấu trúc của SBS, một lãnh đạo UBCK cho biết, nhiều khả năng, cơ quan này sẽ không đồng ý, nhất là ý tưởng gộp cổ phiếu để giảm vốn điều lệ, vì rất nhiều nguyên nhân.
Thứ nhất, hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam đã cho phép CTCP được phép gộp cổ phiếu, nhưng không có điều khoản nào cho phép giảm vốn điều lệ. Thứ hai, đáng lo ngại hơn là khoản nợ 1.736 tỷ đồng của SBS sẽ được xử lý như thế nào nếu quyết định gộp cổ phiếu để giảm vốn điều lệ? Trong quá khứ, đã có 2 doanh nghiệp từng xin giảm vốn điều lệ, nhưng UBCK đều bác phương bác bỏ.
Nguồn Đầu tư chứng khoán