Phúc thẩm vụ án “siêu lừa” Huyền Như: Saigonbank Berjaya gửi thư cầu cứu Thủ tướng Malaysia
Ngày 15/12/2014, TAND tối cao tại TP.HCM sẽ tiến hành xét xử phúc thẩm vụ Huỳnh Thị Huyền Như. Với tư cách là đơn vị có liên quan, CTCP Chứng khoán Saigonbank Berjaya sẽ cử người đại diện để tham dự phiên tòa.
Bà Yei Pheck Joo, Tổng giám đốc SBBS đã có cuộc trao đổi với BizLIVE về những thông tin liên quan đến vụ việc.
Tòa sơ thẩm đã tuyên Huyền Như phải chịu trách nhiệm bồi thường gần 4.000 tỷ đồng, còn Vietinbank không phải chịu trách nhiệm. Ý kiến của SBBS về phán quyết này như thế nào?
Trước tiên, tôi muốn nói rõ ý kiến của tôi chỉ đại diện cho SBBS, không đại diện cho các công ty hay các nạn nhân khác. Chúng tôi là nạn nhân của VietinBank, không phải là nạn nhân của Huyền Như. Tôi nói như vậy vì SBBS mở tài khoản tại Ngân hàng VietinBank – Chi nhánh TP.HCM và chuyển tiền của SBBS vào chính tài khoản của SBBS tại VietinBank – Chi nhánh TP.HCM.
Ngay cả khi SBBS rút tiền, VietinBank cũng đã chuyển tiền từ VietinBank sang tài khoản của SBBS tại Saigonbank. Vì vậy, khi tại tòa sơ thẩm, VietinBank nói rằng họ không biết gì, không chịu trách nhiệm, tôi thấy rất khó hiểu! Bởi một ngân hàng lớn như ngân hàng VietinBank, có giá trị tài sản lớn và có uy tín tại Việt Nam lại nói rằng họ không biết gì và không chịu trách nhiệm.
Với tư cách là khách hàng gửi tiền, nếu VietinBank cho rằng họ không biết gì và không chịu trách nhiệm, thì làm sao chúng tôi là những khách hàng có thể tin tưởng vào ngân hàng? VietinBank là ngân hàng quốc doanh, có hệ thống tốt, có uy tín, lại cho rằng họ không chịu trách nhiệm, nhân viên của họ là Huyền Như phải chịu trách nhiệm. Tôi thực rất là sốc! Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người đều bị sốc!
Tôi cho rằng dư luận rất quan tâm về điều này. Nếu khách hàng gửi tiền tại ngân hàng và nhân viên của ngân hàng chiếm đoạt tiền của khách hàng, sau đó nhân viên của ngân hàng bị tù và ngân hàng không chịu trách nhiệm gì, thì khách hàng sẽ không tin vào cả hệ thống ngân hàng Việt Nam, chứ không chỉ riêng VietinBank.
Thời gian qua bà đã nhận được những ý kiến phản hồi như thế nào từ Tập đoàn mẹ bên Malaysia, đối tác và nhà đầu tư? Họ mong đợi những gì trong phiên phúc thẩm tới đây?
Không chỉ riêng công ty mẹ, đối tác, mà tất cả các nước có vị trí địa lý gần Việt Nam như Malaysia, Singapore, Thái Lan,… các nước Đông Nam Á rất quan tâm về vấn đề này. Tôi là nhà đầu tư nước ngoài, nên có nhiều bạn bè cũng là nhà đầu tư nước ngoài đến từ Singapore, Philippines, Nhật Bản, Hồng Kông, Mỹ…
Khi bản án tòa sơ thẩm được đăng tải trên báo chí bằng tiếng Anh, các bạn của tôi đã gọi điện hoặc email hỏi tôi rất nhiều, họ hỏi rằng điều gì đã xảy ra với SBBS?
Bạn có thể thấy, một khi bản án được tuyên và được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là đăng tải trên internet, được lan truyền rất nhanh và rộng rãi đến nước ngoài, toàn cầu. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến nhà đầu tư nước ngoài. Họ lo sợ trường hợp tương tự sẽ xảy ra đối với họ, và lo sợ không dám đầu tư tại Việt Nam.
Trước đây, nếu nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư tại Việt Nam, họ sẽ xem xét về kinh tế vĩ mô, về tính ổn định tiền tệ, ổn định chính trị, môi trường đầu tư … nhưng nay họ sẽ xem xét về hệ thống ngân hàng Việt Nam. Nên bản án không chỉ ảnh hưởng đến riêng SBBS mà về lâu dài còn ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Tôi thường gặp gỡ với các nhà đầu tư của Hiệp hội Doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, và mỗi khi gặp tôi, họ đều hỏi về trường hợp của SBBS.
Rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam biết về vụ án. Tôi không muốn đề cập nhiều về vấn đề này. Tôi tôn trọng hệ thống pháp luật, Chính quyền Việt Nam nhưng tôi cũng mong được xét xử công bằng. Ngay khi bản án sơ thẩm được đăng tin trên báo chí, rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài và cả dự luận đều không đồng tình kết quả bản án này.
Vụ việc đã khiến hoạt động tại SBBS ảnh hưởng ra sao, thưa bà?
Vụ việc xảy ra từ 2011 đến nay đã ba năm. Trong ba năm qua, SBBS đã chứng minh cho khách hàng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam (UBCKNN), các cơ quan chức năng khác có liên quan rằng SBBS đã cố gắng làm việc hết sức, hoạt động bình thường.
Chính sách của SBBS cũng như tuân thủ theo quy định là tách bạch tài khoản của khách hàng và tài khoản của công ty.
Trong ba năm qua, mặc dù hoạt động kinh doanh của SBBS bị ảnh hưởng và gặp khó khăn về vốn. Nhưng nhờ khách hàng, nhà đầu tư vẫn tin tưởng và ủng hộ công ty cùng với sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía công ty mẹ, ngân hàng bên phía Malaysia, doanh thu của SBBS vẫn có sự tăng trưởng qua các năm.
Vừa qua các công ty kiểm toán, UBCKNN cũng đã tiến hành thanh tra SBBS, kết quả cho thấy đều tốt bởi các hoạt động quản lý của chúng tôi luôn tuân thủ pháp luật.
Bản thân bà có suy nghĩ gì về vụ việc này?
Sau khi vụ việc xảy ra, vì đây là vụ án rất lớn, SBBS phải báo cáo về Malaysia, không chỉ báo cáo Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam mà còn báo cáo Bộ trưởng Bộ Thương mại quốc tế và Công nghiệp Malaysia.
Trong năm nay, Thủ tướng Malaysia đã tới thăm Hà Nội, SBBS đã gửi thư cầu cứu cho Thủ tướng Malaysia. Vì vậy, vụ án của SBBS không chỉ được quan tâm bởi Sở Ngoại vụ, Đại sứ quán Malaysia tại Việt Nam, mà còn được quan tâm bởi Thủ tướng Malaysia. Chúng tôi cũng đã báo cáo Chính phủ Malaysia về phiên tòa phúc thẩm sẽ diễn ra vào thứ 2 (15/12) và Chính phủ Malaysia cũng rất quan tâm đến phiên tòa phúc thẩm này.
Xin cảm ơn bà!
Nguồn Bizlive