Nhà máy của Phúc Sinh tại Sơn La.

 
Ngọc Thủy Thứ Ba | 04/12/2018 14:00

Phúc Sinh lên núi trồng cà phê Arabica

Phúc Sinh chấp nhận rủi ro khi đem trăm tỉ xây nhà máy cà phê Arabica trên núi cao Sơn La.

Phúc Sinh mới chính thức khánh thành nhà máy Phúc Sinh Sơn La vào đầu tháng 11 vừa qua. Mặc dù đây là nhà máy thứ 6 nhưng với Công ty, nhà máy có ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu bước mở rộng của Phúc Sinh trong lĩnh vực cà phê.

Chọn ngách khó

Lâu nay, Phúc Sinh nổi lên như một trong những nhà xuất khẩu tiêu lớn nhất Việt Nam, nắm giữ 15% thị phần trong nước và chiếm 8% thị phần thế giới. Ở lĩnh vực cà phê, ông Phan Minh Thông, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Phúc Sinh, cho biết, Công ty cũng đã tham gia xuất khẩu cà phê từ hàng chục năm qua. Tuy không dẫn đầu thị trường nhưng theo một số xếp hạng, Phúc Sinh đang giữ vị trí thứ 8 trong thị trường xuất khẩu cà phê của Việt Nam.

Phuc Sinh len nui trong ca phe Arabica
 

Giống như hầu hết các công ty trong ngành, Phúc Sinh chủ yếu buôn bán cà phê Robusta, với sản lượng xuất khẩu hằng năm lên tới 70.000 tấn. Cà phê và một số mặt hàng khác đã đóng góp đến 65% tổng doanh thu cho Phúc Sinh (360 triệu USD/năm), vượt qua cả hồ tiêu (chỉ 35%). Ngoài ra, theo ông Thông, nếu như giá hồ tiêu trên thị trường chịu nhiều biến động thì giao dịch trên thị trường cà phê lại ổn định hơn. Đây là lý do để Phúc Sinh đầu tư mở rộng mảng cà phê.

Ở lần mở rộng này, Phúc Sinh chọn ngách riêng. Đó là phân khúc cà phê Arabica. Đây là phân khúc cho giá trị cao nhất trong các sản phẩm cà phê hiện nay. Nhìn bảng giá niêm yết trên sàn giao dịch hàng hóa của London, New York, cà phê Arabica luôn cao hơn cà phê Robusta, thường chênh lệch 700-800 USD/tấn. Ngoài ra, như khẳng định của ông Thông, trong phân khúc này, quan trọng là đàm phán giá, còn tìm kiếm khách hàng, đặt vấn đề mua bán không quá khó khăn.

Những quốc gia nổi tiếng và làm giàu từ cà phê như Colombia, Brazil, Ý.. đều có thế mạnh trồng cà phê Arabica. Nhưng sản lượng cà phê Arabica trên thế giới đang giảm. Chẳng hạn, theo Tổ chức Cà phê Thế giới (ICO), sản lượng cà phê Arabica trên thế giới năm 2017-2018 ước giảm 4,6%; sang niên vụ sau, mức giảm có thể tiếp tục. Đây chính là cơ hội cho các nước như Việt Nam tham gia vào thị trường cà phê có giá trị cao này.

Phuc Sinh len nui trong ca phe Arabica
 

Dù vậy, tổng sản lượng cà phê Arabica của Việt Nam chỉ xấp xỉ 100.000 tấn, bằng khoảng 5% sản lượng cà phê Robusta. Lý do chính là trồng cà phê Arabica có những đòi hỏi ngặt nghèo về thổ nhưỡng, khí hậu, độ cao (thường phải trên 1.500m so với mực nước biển). Vì thế, chỉ những vùng cao nguyên, khí hậu mát mẻ như một số nơi tại Lâm Đồng, Nghệ An, Sơn La, Khe Sanh (Quảng Trị)... mới có thể trồng được cà phê Arabica. Ngay Cầu Đất (Đà Lạt), Sơn La, sản lượng cà phê Arabica hằng năm cũng rất khiêm tốn, chỉ khoảng 10.000-20.000 tấn/năm.

Sản lượng thấp là một yếu điểm cho phân khúc cà phê Arabica. Ngoài ra, chi phí đầu tư công nghệ rang xay, máy móc thường rất tốn kém. Đơn cử, vốn đầu tư cho nhà máy Phúc Sinh Sơn La, theo chuẩn quốc tế là khoảng 100 tỉ đồng. Vì thế, ở phân khúc cà phê Arabica, không có nhiều doanh nghiệp tham gia. Intimex, một trong những nhà xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, cũng đứng ngoài cuộc chơi Arabica. Còn những doanh nghiệp tham gia như Vovo, Cầu Đất, Tín Nghĩa... thì không tập trung hoàn toàn vào phát triển, xuất khẩu cà phê Arabica. Nếu bán ở thị trường nội địa, kênh tiếp cận thường thấy chỉ ở các khách sạn, resort cao cấp, các phòng chờ trong sân bay, quán cà phê cao cấp.

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến Công ty Thái Hòa gặp thất bại với tham vọng phát triển Arabica. Theo thừa nhận của lãnh đạo Thái Hòa, Công ty đã dùng vốn vay ngắn hạn đầu tư cho các nhà máy chế biến cà phê Arabica với quy mô lớn (như nhà máy ở Sơn La, công suất 30.000 tấn/năm). Dù Thái Hòa đã tính toán nguyên liệu tại chỗ đủ cho nhà máy hoạt động nhưng do nông dân quen tự chế biến rồi đem bán, nên các nhà máy của Thái Hòa đã hoạt động không như mục tiêu đề ra. Ở Tổng Công ty Cà phê Việt Nam, dự án trồng 40.000ha cà phê Arabica cũng bị phá sản do nợ nần.

Vẫn đứng hai chân

Phúc Sinh đã rút kinh nghiệm từ bài học của người đi trước. Chẳng hạn, nhà máy Phúc Sinh Sơn La có công suất nhỏ hơn so với quy mô nhà máy Thái Hòa từng đầu tư (chỉ 20.000 tấn cà phê tươi/năm, tương đương 4.000 tấn cà phê nhân/năm). Trước khi xây nhà máy, Phúc Sinh cũng đã làm việc chặt chẽ với các hộ nông dân. Theo đó, nông dân muốn tham gia vào chuỗi sản xuất của Phúc Sinh phải cam kết tuân thủ các quy định trồng trọt, thu hoạch, bán hàng... cho Phúc Sinh theo các hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế (nhà máy theo chuẩn của BRC, nông trại theo chuẩn UTZ).
Trước khi xây nhà máy, ông Phan Minh Thông chia sẻ, Phúc Sinh đã có những hoạt động marketing, như giới thiệu mẫu thử đến các đối tác thân quen. Hiện tại, Phúc Sinh đang có khoảng 250 đối tác là bạn hàng lâu năm. Nhờ đó, Công ty đã có được những cam kết đặt hàng từ các đối tác, đảm bảo đầu ra thị trường đến năm 2019.

Phuc Sinh len nui trong ca phe Arabica
 

Tham vọng của Phúc Sinh không dừng lại ở đó. Công ty muốn góp phần xây dựng thương hiệu cà phê cả vùng Sơn La. Vì thế, cà phê nguyên liệu, chế biến tại nhà máy Phúc Sinh Sơn La sẽ lấy thương hiệu là Blue Sơn La. Ông Thông tin rằng, một khi khách hàng biết đến thương hiệu vùng, thương hiệu quốc gia, họ sẽ tin cậy và ủng hộ lâu dài cho cà phê Việt Nam.

Nhà máy Phúc Sinh Sơn La dự kiến sẽ đạt hơn 28 triệu USD xuất khẩu ngay trong niên vụ đầu tiên. Thị trường xuất khẩu cà phê của Phúc Sinh vẫn chủ yếu là Mỹ, Bắc Mỹ (chiếm 35%), châu Âu (65%). Về lâu dài, Công ty sẽ mở rộng cả tiêu thụ trong nước, dù thị trường nội địa mới chiếm khoảng 1% doanh thu toàn mảng cà phê của Phúc Sinh.

Phúc Sinh vẫn sẽ đứng hai chân trong mảng cà phê, kinh doanh cả cà phê Robusta và Arabica. Nhưng Robusta vẫn là chủ lực, vì đây là mảng cà phê Việt Nam có thế mạnh. Điểm khác biệt là Phúc Sinh chọn đi theo con đường cung cấp các sản phẩm cà phê nguyên chất 100%. Phúc Sinh đã thiết lập nhiều thương hiệu cho dòng cà phê này như K-Coffee Black, K-Coffee Light, K-Coffee Delight... Ông Thông khẳng định, với quy mô của mình, Phúc Sinh vẫn đặt mục tiêu ở vị trí thứ 7-8 trong thị trường cà phê Việt Nam