Những thông tin do ông Anabuki cung cấp giúp cơ quan văn hóa Hải Dương đẩy mạng công tác nghiên cứu sưu tầm những dấu tích làng gốm cổ Chu Đậu. Ảnh: TL.
Phục sinh gốm cổ
Năm 1980, trong một chuyến đi công cán sang Thổ Nhĩ Kỳ, ông Makato Anabuki - Bí thư thứ 2 Đại sứ quán Nhật tại Hà Nội, đã nhìn thấy chiếc bình gốm hoa lam, cao 54 cm, được trưng bày tại Bảo tàng Topkapi Saray, Istanbul. Trên bình có ghi dòng chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (Thái Hòa năm thứ 8 (1450) - đời vua Lê Nhân Tông, thợ gốm là Bùi Thị Hý, người Nam Sách châu vẽ hoa văn). Ông Anabuki đã viết thư nhờ Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương lúc bấy giờ là ông Ngô Duy Đông xác minh xuất xứ chiếc bình.
Những thông tin do ông Anabuki cung cấp giúp cơ quan văn hóa Hải Dương đẩy mạng công tác nghiên cứu sưu tầm những dấu tích làng gốm cổ Chu Đậu. Tháng 4/1986, Sở Văn hóa Thông tin Hải Dương tiến hành khai quật di chỉ Chu Đậu, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều di vật gốm.
Từ đó đến nay, qua 8 lần khai quật ở tầng sâu 2 m trên diện tích 70.000 m2 tại xã Thái Tân và xã Minh Tân, các nhà khảo cổ phát hiện được rất nhiều hiện vật gốm cổ cùng hơn 100 đáy lò gốm dưới lòng đất. Kết quả những cuộc khai quật không chỉ làm giới chuyên môn kinh ngạc, mà còn giúp người dân địa phương khám phá quá khứ lẫy lừng của tổ tiên. Gốm Chu Đậu còn được tìm thấy ở 2 con tàu bị đắm tại vùng biển Pandanan (Philippines) và Cù Lao Chàm (Việt Nam) vào năm 1993 và 1997. Hơn 340.000 hiện vật gốm Chu Đậu, trong đó có khoảng 240.000 hiện vật còn lành đã được trục vớt, chứng tỏ gốm Chu Đậu đã được xuất cảng rộng rãi thời bấy giờ. Từ đây, thời huy hoàng của gốm Chu Đậu được phát lộ sau thăng trầm.
Theo đó, gốm Chu Đậu đã có hơn 2 thế kỷ hưng thịnh rực rỡ, được nhiều bảo tàng trên thế giới lưu giữ như bảo vật nhưng trước khi con tàu chở cổ vật bị đắm trên vùng biển Cù Lao Chàm được phát lộ (năm 1993).
Thế nhưng, tại các bảo tàng Việt Nam và các bộ sưu tập tư nhân, gốm Chu Đậu gần như vô danh. Thậm chí, tại thôn Chu Đậu - cái nôi của dòng gốm này, nghề làm gốm hoàn toàn tuyệt tích. Người dân thôn Chu Đậu khi ấy sinh sống chủ yếu bằng nghề nông và nghề đan chiếu cói. Sau mấy trăm năm dâu bể, hậu duệ của những chủ lò, những dòng họ làm gốm lừng danh vùng Chu Đậu chẳng biết lớp gốm thải dày mấy mét dưới móng nhà là cái gì và vì đâu mà có. Họ không biết, tổ tiên đã từng làm rạng danh quê hương bằng nghề gốm tỏa đi khắp thế giới.
Nghệ nhân Hạ Bá Định. |
Thế nhưng, sau gần 4 thế kỷ bị thất truyền, ngày nay, gốm Chu Đậu đã hồi sinh nhờ nỗ lực không nhỏ của Xí nghiệp Gốm Chu Đậu, nay là Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu (thuộc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội - Công ty Cổ phần (Hapro), thành viên của Tập đoàn BRG). Mới đây, Gốm Chu Đậu được công nhận đạt Thương hiệu Quốc gia 2022 như một sự khẳng định dòng chảy của di sản trong đời sống kinh tế đương đại.
Nhằm phục hưng dòng gốm cổ Chu Đậu, năm 2001, Công ty đã mời các nghệ nhân từ Hà Nội, Bình Dương, Biên Hòa (Đồng Nai), Hải Dương... nghiên cứu những nét đặc sắc của gốm Chu Đậu rồi truyền dạy cho công nhân là người địa phương. Hầu hết lớp thợ trẻ năm xưa nay đã trở thành những công nhân lành nghề, không ít người được vinh danh là nghệ nhân.
Trong số các nghệ nhân góp công phục dựng và hồi sinh sản phẩm, thương hiệu gốm sứ Chu Đậu, nghệ nhân Nguyễn Văn Lưu, nguyên Giám đốc xí nghiệp gốm Chu Đậu thuộc Tổng Công ty Thương mại Hapro, là người có đóng góp không nhỏ.
“Gốm sứ là văn hóa, gốm sứ Chu Đậu mang hồn đất Việt, kiểu dáng, hoa văn họa tiết thuần khiết văn hóa Việt, mang đạo giáo, tình cảm, phong cách Việt Nam, nó khác biệt với các dòng sản phẩm gốm sứ khác trên thế giới từ màu men, được tạo nên từ đất thiêng (Chí Linh), nước thiêng (lục đầu giang), lửa thiêng (Đông A), sản phẩm mang trong mình nhiều vi lượng khoáng chất quý của địa linh, họa tiết phóng khoáng thuần Việt...”, ông Lưu nói.
Sau 20 năm, Công ty Cổ phần Gốm Chu Đậu đã phục dựng được hàng trăm mẫu gốm cổ, đồng thời nghiên cứu và đưa vào sản xuất nhiều dòng sản phẩm mới như vẽ vàng kim cao cấp, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng. Gốm Chu Đậu hiện đã xuất sang 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với sản lượng trung bình khoảng 1,5-2 triệu sản phẩm mỗi năm, thu hút trên 500 lao động của làng nghề Chu Đậu, doanh số khoảng 400 tỉ đồng/một năm.
Không dừng lại ở đó, tỉnh Hải Dương còn xây dựng chương trình làng Du lịch tại làng gốm cổ Chu Đậu với nhiều hoạt động như: trưng bày bộ sưu tập gốm cổ và gốm đương đại, thăm quy trình sản xuất, chế tạo sản phẩm gốm; thăm làng gốm cổ Chu Đậu và di chỉ khảo cổ... biến làng gốm trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Nhiều tuyến, điểm xung quanh làng gốm cổ như: Đền thờ Đặng Huyền Thông - ông tổ nghề gốm Chu Đậu, các lò gốm cổ, Bảo tàng Gốm thôn Chu Đậu... được kết nối, tạo thành tour tham quan hấp dẫn.
Những ngày cuối năm 2022, du khách, người dân có thêm một điểm tham quan hấp dẫn khi đến phố cổ Hội An: Phòng trưng bày “Gốm Chu Đậu - cổ vật từ lòng biển Cù Lao Chàm” tại Bảo tàng Hội An. Những hiện vật gốm sứ được khai quật từ con tàu đắm cổ tại vùng biển Cù Lao Chàm được trưng bày cũng tái hiện tiến trình lịch sử vô giá về sự khéo léo, tài hoa của người Việt, đồ gốm Việt Nam trên con đường mậu dịch quốc tế.
Nhờ sự nỗ lực này, gốm Việt có thêm một cái tên gốm cổ hồi sinh bên cạnh gốm Bát Tràng (Hà Nội), Hương Canh (Vĩnh Phúc) hay Phù Lãng (Bắc Ninh). Sau nhiều năm thăng trầm, gốm Chu Đậu đã tìm được một cái kết có hậu.