Ảnh: Quý Hòa.

 
Minh Đức Thứ Hai | 06/12/2021 08:00

Phục hồi mô hình U hay V?

Việt Nam cần một chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn.

Theo Tổng cục Thống kê, trung bình trong 10 tháng qua, mỗi tháng có 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường vì ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng cho thấy, các điều kiện kinh  doanh  tổng  thể  trong  lĩnh  vực  sản  xuất đã cải thiện tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 11, nhưng những lo ngại về đại dịch và kéo theo là tình trạng thiếu hụt lao động đã cản trở tăng trưởng. Trong khi đó, áp lực lạm phát tiếp tục gia tăng, chi phí đầu vào và giá cả đầu ra đều tăng với mức độ cao nhất kể từ tháng 4/2011.

 

Như vậy, dù có những tín hiệu phục hồi nhưng bất chấp hàng loạt chính sách hỗ trợ về tài khóa, tiền tệ, an sinh, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục kiệt quệ và bấp bênh. Tại tọa đàm “Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế” gần đây, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, cho rằng Việt Nam là một trong những nước phục hồi chậm nhất. “Các nước coi dịch bệnh này là tai nạn chứ không phải là một cuộc khủng hoảng cấu trúc. Vì thế, nền kinh tế phục hồi rất nhanh theo hình chữ V. Tuy nhiên, Việt Nam có vẻ như đang theo hình chữ U chứ không phải chữ V”, vị chuyên gia này phát biểu.

 

Thực tế, Việt Nam chi các gói hỗ trợ tài khóa năm 2020 chỉ tương đương 1,26% GDP. Trong khi đó, tại các nước phát triển, quy mô gói hỗ trợ bao gồm cả hỗ trợ tiền tệ lên đến 19,4% GDP, còn tại các nước mới nổi chiếm trung bình 7,51% GDP. Có thể thấy, con số 1,26% GDP của Việt Nam không chỉ nhỏ về quy mô mà hầu hết là các gói hỗ trợ chỉ mang tính gián tiếp giãn, hoãn thuế.

Những biện pháp này thời gian qua tỏ ra không có nhiều hiệu quả trong việc vực dậy những doanh nghiệp vốn đang cạn nguồn tiền khi họ phải đóng cửa kinh doanh hay tạm dừng sản xuất. Về phía ngân hàng, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm về mức thấp nhất trong 20 năm và khó có thể hạ hơn nữa. 4 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước cũng chấp nhận “thiệt” gần 30.000 tỉ đồng lợi nhuận năm nay để hỗ trợ khách hàng, trong khi phải đối mặt với nhiều nguy cơ nợ xấu trong các khoản vay này.

Ảnh: Quý Hòa.
Doanh nghiệp chế biến gỗ tại TP.HCM. Ảnh: Quý Hòa.

Rõ ràng, để phục hồi kinh tế, Việt Nam cần một chương trình hỗ trợ phục hồi nền kinh tế quy mô lớn hơn và hiệu quả hơn, tương đương 6-8% GDP. Tuy nhiên, tiền đâu và bơm tiền như thế nào là câu hỏi rất lớn. 

Cuối tháng 12, Quốc hội sẽ họp bất thường, trong đó có việc xem xét thực hiện gói hỗ trợ thứ 3 nhằm giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, nếu Chính phủ ép giảm lãi suất, tăng bơm tiền ra nền kinh tế, sẽ có nguy cơ của làn sóng kênh đầu cơ, bong bóng giá tài sản, không đảm bảo ổn định vĩ mô cũng như tính bền vững hệ thống ngân hàng. Đây là bài học đã nhận vào năm 2009, khi gói hỗ trợ lãi suất 1 tỉ USD được tung ra, nhưng chỉ khiến GDP tăng từ mức 5,3% lên 5,89% năm 2011, song lạm phát tăng từ 6,88% lên tới 18,58% năm 2011.  

Vì vậy, chương trình hỗ trợ của Chính phủ sắp tới đây, theo nhiều ý kiến, sẽ tập trung chủ yếu vào chính sách tài khóa. Bởi vì, dư địa mở rộng chính sách tài khóa của Việt Nam còn khá lớn, như thâm hụt ngân sách và nợ công trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực; có cơ hội tăng vay nợ trong nước (phát hành trái phiếu) với lãi suất thấp; nghĩa vụ trả nợ/thu Ngân sách Nhà nước, lạm phát vẫn trong ngưỡng an toàn.

Để có nguồn thực hiện gói hỗ trợ tài khóa, theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Ngân hàng BIDV, Chính phủ có thể dựa vào một số nguồn như nguồn tiết giảm chi phí chi thường xuyên; nguồn cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; phát hành trái phiếu; vay các tổ chức tài chính quốc tế; thúc đẩy bảo lãnh qua các quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn ngân hàng; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và vốn đầu tư tư nhân. 

Mặc dù ủng hộ gói cấp bù hỗ trợ lãi suất, song Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cho rằng, gói hỗ trợ này phải được thiết kế thận trọng với các tiêu chí: không được đẩy vốn vào nền kinh tế quá nhiều, giữ vững mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định tỉ giá, tính toán mức độ nợ xấu không để ảnh hưởng đến an toàn hệ thống.