Phù sa là thứ xa xỉ đối với các tỉnh ĐBSCL
Nghịch lý này được các nhà khoa học, chuyên gia và cơ quan chức năng nhận định tại buổi tọa đàm “Ứng phó ra sao khi lũ không về ĐBSCL?” do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank VN) tổ chức tại Cần Thơ ngày 21-9.
Buổi tọa đàm diễn ra trong bối cảnh thời tiết thay đổi tiêu cực, lượng mưa ít, lũ nhỏ hoặc không về, hạn hán, mặn xâm nhập xảy ra liên tiếp gần đây khu vực ĐBSCL.
TS Nguyễn Hữu Thiện - nghiên cứu độc lập về sinh thái khu vực ĐBSCL, nhận định phù sa là thứ xa xỉ đối với các tỉnh vùng ĐBSCL hiện nay vì tình trạng lũ thất thường. Các đập thủy điện phía thượng nguồn nước Trung Quốc tuy không giữ vai trò quyết định dòng chảy trên dòng Mekong nhưng đã giữ lại 50% lượng phù sa.
Sắp tới khi các đập thủy điện tại nước Lào đi vào hoạt động, tình trạng còn khủng khiếp hơn. Vì khi các đập thủy điện sẽ xả lũ theo hợp đồng cung cấp điện của họ, do đó con nước của ta cũng sẽ mặn, ngọt theo việc xả đập phía trên và phù sa cũng sẽ không còn.
Về thực trạng, ông Lữ Cẩm Khường - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn An Giang - cho biết do năm 2015 không có lũ nên năm nay đang gánh chịu hậu quả của năm trước, đồng thời tiếp tục đối mặt với thực trạng “đói” lũ của năm nay.
Theo ông Khường, An Giang là tỉnh nằm phía thượng nguồn các tỉnh ĐBSL mà không có lũ thì các tỉnh vùng phía dưới chắc chắn nước cũng sẽ không về.
Những năm trước, khi còn lũ An Giang xuống giống lúa mùa nước nổi trên dưới 100ha, năm nay chỉ xuống giống được 25ha nhưng có nguy cơ bị mất trắng vì không có nước tưới.
Không có lũ, ngoài việc thiếu nước tưới, nông dân còn gánh chịu đủ thứ phát sinh như chuột, sâu phát triển phá hoại mùa màng. Ruộng không có phù sa nên lượng phân bón đổ xuống phải nhiều hơn khiến chi phí tăng. Ước tính mỗi hecta nông dân phải tốn thêm khoảng 5 triệu chi phí để diệt sâu bọ, bón phân.
Nghề nuôi, đánh bắt cá cũng bị thất thu. Nếu như những năm lũ về, GDP của tỉnh An Giang tăng 10% - 15% trong mùa lũ thì trong ba năm trở lại đây, hầu như nông dân không có thu nhập.
Ở phía thượng nguồn sông Tiền, ông Nguyễn Thiện Pháp - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Tiền Giang - cho biết dự kiến lũ về tỉnh này vào cuối tháng 10-2016, đủ nước để phục vụ cho sản xuất lúa vụ đông xuân.
Tuy nhiên, ông Thiện cũng e ngại bởi tình trạng xâm nhập mặn phía đông của tỉnh này sẽ ảnh hưởng đến 100.000ha diện tích đất nông nghiệp. Vì theo dự báo có thể tình trạng xâm nhập mặn năm nay sẽ sâu và lâu hơn năm trước.
Hiện tỉnh Tiền Giang đã sửa sang lại hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt để phục vụ vụ mùa cho nông dân.
TS Nguyễn Hữu Thiện cho rằng chúng ta chưa nên quá hoảng loạn, lo lắng mà phải bình tĩnh nhận định tình hình để đưa ra giải pháp. Đối với những năm khí hậu cực đoan như năm nay, cách tốt nhất là né tránh thiệt hại, thay đổi thời vụ hoặc tránh xuống giống, chủ động phản ứng trước, trữ nước ngọt cho sinh hoạt.
Ngoài ra, cần tìm giải pháp khôi phục không gian trữ lũ vốn có của vùng Đồng Tháp Mười với sức chứa lũ 9,2 tỉ m3 (còn 4,5 tỉ m3 - số liệu năm 2011).
Trao đổi với Tuổi Trẻ về đầu tư tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt trước tình hình khó khăn của bà con nông dân khi lũ không về, ông Trần Ngọc Tồn - trưởng văn phòng đại diện Agribank khu vực Tây Nam, cho biết những năm qua Agribank nói chung và Agribank khu vực Tây Nam bộ nói riêng luôn tập trung mọi nguồn lực để đầu tư tín dụng trên địa bàn cho bà con nông dân. Đến tháng 8-2016, tổng dư nợ cho vay của Agribank tại khu vực ĐBSCL đạt 105 nghìn tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn khoảng 92 nghìn tỉ đồng (khoảng 87% trên tổng dư nợ). Liên quan đến thông tin cho rằng “Nhiều hộ thiếu vốn sản xuất mà không vay được vốn”, ông Tồn nhận định vấn đề này nếu có chỉ xảy ra đây đó một vài nơi đối với các hộ không đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Các trường hợp đủ điều kiện vay vốn thì các chi nhánh Agribank luôn giải quyết cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, đặc biệt là đối với nhu cầu vốn vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân để thực hiện đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2016. Ngoài ra, hiện phương thức cho vay của Agribank đã được cải tiến, đa dạng hơn như phương thức cho vay theo mô hình tổng hợp,. Agribank cũng có chủ trương, chính sách cho vay nhằm chuyển đổi cây trồng vật nuôi trong bối cảnh lũ không về, biến đổi khí hậu như hiện nay. Điều này thể hiện kết quả đầu tư tín dụng, đặc biệt trong tám tháng đầu năm 2016 dư nợ của Agribank tại khu vực ĐBSCL tăng khoảng 6.200 tỉ đồng, trong đó chủ yếu tăng trưởng dư nợ trung, dài hạn hạn 6.600 tỉ, tức dư nợ tám tháng hiện nay là dồn cho vay trung, dài hạn. Trong thời gian tới, Agribank sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn vay cho bà con nông dân vay theo nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ, theo mô hình tổng hợp bao gồm cả gói vay cho sản xuất lúa, kết hợp chăn nuôi con vịt, con gà, cá, tiêu dùng sửa chữa nhà, mua xe… để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra, Agribank cũng sẽ sẵn sàng đầu tư tín dụng tại các tỉnh trong khu vực để địa phương đầu tư xây dựng cơ bản như hệ thống kênh mương, thủy lợi nhằm thích ứng với việc chuyển đổi cây trồng vật nuôi cho bà con nông dân. Quan trọng nhất là tỉnh có dự án, phương án cụ thể khả thi. |
Nguồn Tuổi trẻ