Phú Lễ thắng kiện, cả làng được nhờ!
Vừa qua, Công ty Phú Lễ đã khởi kiện Cục Thuế TP.HCM vì bị truy thu và phạt gần 5,6 tỉ đồng thuế. Theo quyết định cuối cùng của tòa, Phú Lễ chỉ phải nộp 80 triệu đồng cho Cục thuế TP.HCM. Nói cách khác, doanh nghiệp này đã thắng kiện gần như hoàn toàn.
Khúc mắc giữa Phú Lễ và Cục thuế TP.HCM xuất phát từ sự lấn cấn trong cách hiểu giữa 2 khái niệm “khuyến mãi” và “chiết khấu thương mại”. Doanh nghiệp cho rằng mình thực hiện “chiết khấu”, trong khi Cục thuế TP.HCM lại cho rằng đó là “khuyến mãi”. Và do kinh doanh rượu thì không được khuyến mãi, nên phải truy thu thuế.
Cụ thể, Phú Lễ có quy định các tỉ lệ chiết khấu nếu nhà phân phối đạt điều kiện. Nhà phân phối mua hàng thì hưởng chiết khấu 5%, cộng thêm chiết khấu 1% hằng tháng nếu họ đạt các chỉ tiêu mua vào, bán ra của tháng. Doanh nghiệp này đã lập các hóa đơn, khai báo thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng dẫn của Tổng cục Thuế về chiết khấu thương mại.
Đại diện Phú Lễ cho rằng không có văn bản nào quy định chiết khấu là một hình thức của khuyến mãi. Ngược lại, Cục thuế TP.HCM đưa ra lý lẽ rằng quy định về chiết khấu thương mại áp dụng cho người mua hàng với số lượng lớn. Còn hợp đồng của Phú Lễ chỉ nêu số tiền mà nhà phân phối cần đạt để có chiết khấu. Theo Cục thuế TP.HCM, số tiền thì không được xem là số lượng lớn, nên Phú Lễ đã thực hiện khuyến mãi chứ không phải chiết khấu.
Vụ việc còn phát sinh từ 2 khái niệm “tặng cho” và “khuyến mãi” mà cơ quan quản lý và doanh nghiệp hiểu khác nhau. Trong hoạt động kinh doanh, Phú Lễ có tặng, cho một số mặt hàng như chai rượu mẫu, ly uống rượu hay xô ướp để đại lý trưng bày, sử dụng, tặng khách mua lẻ. Tuy nhiên, Cục thuế TP.HCM cho rằng quy định về khuyến mãi trong Luật Thương mại có hình thức đưa hàng mẫu, tặng sản phẩm, nên việc làm của Phú Lễ được xem là một hình thức khuyến mãi.
Theo Cục thuế TP.CHM, doanh nghiệp phải thông báo về chương trình khuyến mãi với Sở Công Thương thì mới được chấp nhận khấu trừ thuế. Do Phú Lễ không thông báo khuyến mãi nên không được khấu trừ và phải trả lại phần thuế giá trị gia tăng đã khấu trừ trước đó.
Rõ ràng, nguyên nhân gây tranh cãi là do cách hiểu khác nhau giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Vấn đề quan trọng nằm ở chỗ cơ quan quản lý là nơi ban hành văn bản luật, nên nếu có những khái niệm chưa rõ ràng, khi áp dụng cần diễn giả theo hướng có lợi cho các doanh nghiệp. Đây là cũng là một tập quán thương mại. Trong giao kết hợp đồng kinh doanh, với những thuật ngữ có nhiều cách hiểu khác nhau thì việc giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia, chứ không phải cho bên soạn thảo hợp đồng.
Dù sao, việc Phú Lễ thắng kiện đã tháo gỡ nhiều khúc mắc của các doanh nghiệp liên quan đến chiết khấu, tặng cho và khuyến mãi. Theo một số luật gia, những mẫu thuẫn giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý do cách hiểu khác nhau khi áp dụng quy định của pháp luật nên được giải quyết nhanh chóng theo hướng có lợi cho doanh nghiệp, mà không nhất thiết phải bằng một bản án hay quyết định của tòa.
Đình Bắc