Dùng máy X-quang Panorex ứng dụng trong cấy răng implant, nhổ răng khôn, niềng răng... ở Nha khoa Kim.

 
Tú Cẩm Thứ Năm | 12/05/2022 07:30

Phòng nha chờ khách VIP

Đại dịch đã có cuộc sàng lọc mạnh mẽ ngành nha khoa tại Việt Nam.

Hơn 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã sàng lọc ngành nha khoa Việt Nam vốn có mức độ phân mảnh cao với hàng chục ngàn phòng khám riêng lẻ. Đến nay, những chuỗi phòng nha còn tồn tại được sau đại dịch đang có cơ hội mở rộng ở nhiều phân khúc, đặc biệt là phân khúc cao cấp.

Bước sang năm 2022, nhiều phòng nha cũ, nhỏ tại TP.HCM đã phải đóng cửa, nhường lại khách hàng và cả mặt bằng cho những đơn vị có tiềm lực lớn mạnh hơn. Dù khách Việt kiều và khách ngoại quốc, nhóm khách hàng có mức chi trả cao chưa trở lại, một số thương hiệu nha khoa đã có kế hoạch chuẩn bị đón đầu dòng khách từng mang đến cho Việt Nam 150 triệu USD/năm.

Theo báo cáo thị trường du lịch nha khoa toàn cầu đến năm 2023 của Market Research Future, châu Á - Thái Bình Dương là thị trường du lịch nha khoa lớn thứ 2, chiếm tới 40% toàn cầu. Thị trường này đang có xu hướng dịch chuyển đến các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Philippines và Việt Nam. 

Mỗi năm, hàng triệu người kết hợp chữa răng khi đi du lịch nước ngoài nhằm tiết kiệm chi phí, hoặc tiếp cận dịch vụ chất lượng hơn dịch vụ ở quê nhà. Đó là lý do trước đại dịch, mỗi năm, Việt Nam đón hàng ngàn khách Úc và khách Campuchia đến làm răng. Tại Đông Nam Á, giá dịch vụ nha khoa ở Việt Nam trung bình chỉ bằng khoảng 1/2 tại Thái Lan và bằng 2/3 Malaysia.

 

Từ lâu, mở chuỗi là cách để các thương hiệu nha khoa có thêm khách hàng, quản lý chi phí tốt hơn, nhất là trong khấu hao máy móc. Đó là lý do các thương hiệu nha khoa đã hình thành được chuỗi phòng khám vượt qua đại dịch tốt hơn các phòng nha riêng lẻ. Smile Care, Việt Đức, Thanh Tâm, Paris... đều giữ vững được số phòng khám như trước dịch. Trong khi Nha khoa Kim huy động được hơn 1.000 tỉ đồng từ các quỹ đầu tư và trái phiếu thì Phòng Răng Hàm Mặt Sài Gòn thành công trong việc nâng cấp lên thành bệnh viện và mở thêm một số chi nhánh ở TP.HCM và đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian gần đây.

Cho đến nay, Nha khoa Kim đang dẫn đầu về mạng lưới phòng khám với 20 phòng, sở hữu nhà máy sản xuất răng sứ và hệ thống quản trị ứng dụng công nghệ hiện đại. Răng Hàm Mặt Sài Gòn mở được 13 chi nhánh và ký kết được với nhiều trường mầm non quốc tế để có lượng khách ổn định trong dài hạn.

Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn, cho biết: “Bệnh viện tư nhân không chỉ liên tục cập nhật, bảo trì trang thiết bị mà còn phải liên kết với các bệnh viện công để kịp thời cấp cứu trong trường hợp bệnh chuyển biến nặng. Điều này đòi hỏi chi phí lớn cũng như nhân lực có năng lực quản trị rủi ro được đào tạo bài bản".

Nhắm đến khách quốc tế trong dài hạn, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Sài Gòn chấp nhận đầu tư không nhỏ để đạt tiêu chuẩn JCI - một quy trình thẩm định đánh giá chất lượng các bệnh viện quốc tế. Nhìn từ chiến lược của Nha khoa Kim cũng có thể thấy các chứng nhận quốc tế là không thể thiếu nếu muốn thu hút dòng khách chi trả cao hiện nay. Tuy nhiên, chi phí duy trì các chứng nhận này mỗi năm có thể lên đến vài tỉ đồng, nên chỉ các phòng khám lớn hoặc cấp bệnh viện mới chấp nhận được.

 

Bác sĩ Nguyễn Quang Tiến kỳ vọng khi Thái Lan tiến lên điều trị cho khách quốc tế phân khúc trung cao (thay thế vai trò của Malaysia sau khi Malaysia thay thế cho Hàn Quốc hoặc Singapore), ngành nha khoa Việt Nam sẽ có cơ hội thay thế ngành nha khoa Thái Lan. 

Chia sẻ về định hướng đón khách chi tiêu cao, ông Sử Duy Bin, Tổng Giám đốc Nha khoa Kim, cho biết, các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này phải phát triển mạng lưới như ngành bán lẻ, làm dịch vụ như ngành F&B, hệ thống quản trị phải chặt chẽ như ngân hàng và phải đạt các tiêu chuẩn, giấy phép về an toàn, chất lượng của ngành y tế. Chưa kể, nguồn lực bác sĩ trong ngành nha khoa luôn thiếu hụt.

Theo bác sĩ Nguyễn Quang Tiến, so với mặt bằng chung, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, trình độ chuyên môn của bác sĩ ở Việt Nam vẫn còn thấp mà chủ yếu do hạn chế về việc tiếp cận các nguồn học thuật và kỹ thuật mới. Bên cạnh đó, sau mỗi 5 năm, sẽ có những đổi mới buộc các bác sĩ phải nâng cấp trình độ chuyên môn. Do đó, việc chủ động liên tục học hỏi, phổ cập thêm kiến thức, kỹ thuật mới từ các bác sĩ là bắt buộc.

Ngoài ra, theo nhận xét của người trong ngành, sự thua kém của nha khoa Việt Nam khi cạnh tranh với thế giới có thể nằm ở phạm trù thiếu kiến thức kinh tế và quản trị kinh doanh. Việc xây dựng thương hiệu quốc gia chưa được chú trọng, sự cạnh tranh chủ yếu nhằm vào giá thấp mà không chú trọng đến chất lượng dịch vụ và hậu mãi cho bệnh nhân. Bài học từ Mexico là một ví dụ. Thời gian đầu, người Mỹ sang Mexico chữa răng rất đông, nhưng khi nhiều nha khoa cạnh tranh về giá mà không quan tâm đến chất lượng thì tổng doanh thu toàn ngành sụt giảm nghiêm trọng.

Từ 2 thập niên qua, nhiều quốc gia như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Hungary, Mexico, Dubai... xem phong trào đi du lịch kết hợp chữa răng là nguồn thu hút tài chính quan trọng. Các quốc gia này có chiến lược quốc gia hỗ trợ cùng với cơ quan chuyên trách. Hiện tại, Mexico được coi là trung tâm du lịch nha khoa của châu Mỹ; Hungary là trung tâm của châu Âu; còn tại châu Á, trung tâm đang là Singapore và Thái Lan.