Thứ Hai | 05/11/2012 10:25

Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ: Tín dụng đã tăng 3,3%

Dư nợ các khoản cho vay lãi suất dưới 15% hiện đã chiếm xấp xỉ 90%.
Sáng nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với Học viện Ngân hàng tổ chức tọa đàm " Đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ 10 tháng đầu năm năm 2012 và khuyến nghị chính sách".

Phát biểu tại cuộc họp, bà Đỗ Thị Nhung, Phó Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau khi tăng trưởng âm trong 5 tháng đầu năm, tín dụng đã từ tháng 6 tăng trở lại, hiện tăng 3,3% so với cuối năm 2011.

Lãi suất hiện cũng giảm. Đầu năm, Thống đốc chỉ đạo mỗi quý lãi suất giảm 1%, nhưng do lạm phát kiểm soát ở mức thấp nên lãi suất được giảm nhanh hơn dự kiến, đến nay các mức lãi suất chủ chốt đã giảm 5%.

Với những khoản cho vay cũ, các ngân hàng thương mại thực hiện lời hiệu triệu của Thống đốc, điều chỉnh nhanh lãi suất các khoản cho vay cũ xuống dưới 15%/năm. Đến nay, dư nợ các khoản vay lãi suất dưới 15% chiếm tỷ trọng khoảng 90%, bà Nhung cho biết.

Cơ cấu tín dụng cũng được chuyển đổi, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng xuất khẩu tăng cao nhất (10,76%), sau đó đến tín dụng nông thôn. Tín dụng cho công nghiệp hỗ trợ tăng thấp hơn. Song, tín dụng doanh nghiệp vừa và nhỏ lại còn một số hạn chế bởi khả năng thích ứng của đối tượng này với nền kinh tế còn kém.

Thanh khoản của các ngân hàng thương mại cơ bản được bảo đảm và cải thiện, hiện nay có thể còn còn dư thừa. Thị trường ngoại hối, tỷ giá tương đối ổn định.

Nhận diện tín dụng 10 tháng đầu năm tăng thấp, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết do một số nguyên nhân.

Thứ nhất, tín dụng tăng thấp do lực cầu yếu làm giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp.

Thứ hai, nhu cầu vay vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp lớn nhưng huy động trung và dài hạn khó khăn.
Thứ ba, nợ xấu lớn dẫn đến ngân hàng thận trọng hơn trong cho vay, phải thẩm định kỹ lưỡng hơn, ảnh hưởng đến mở rộng tín dụng.

Thứ tư, khả năng quản trị của doanh nghiệp thấp nên không đủ khả năng đứng vững trước khó khăn, dẫn tới sử dụng vốn không tốt.

Thứ năm, thị trường bất động sản còn nhiều bất cập trong chính sách, phân khúc nhà ở xã hội chưa được quan tâm đúng mức...

Xuất phát từ những khó khăn này, trong những tháng cuối năm, NHNN sẽ kiên trì những chính sách đã đề ra trong 6 tháng đầu năm, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức

Giám sát việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng của tổ chức tín dụng. Với những tổ chức có nhu cầu mở rộng, khả năng quản trị tốt thì xem xét cho phép mở rộng tín dụng.

NHNN cũng sẽ giám sát chặt chẽ lãi suất, đảm bảo lãi suất không tăng trong những tháng cuối năm

Đặc biệt, NHNN sẽ cùng các tổ chức tín dụng tháo gỡ khó khăn về nợ xấu. Hiện NHNN kiến nghị các bộ ngành cùng tháo gỡ vấn đề này như kiến nghị Bộ Công thương có giải pháp tháo gỡ hàng tồn kho, Bộ Tài chính đẩy nhanh cho phép bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn ngân hàng thương mại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm đến việc thành lập quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Với riêng thị trường bất động sản, NHNN đề xuất tập trung tháo gỡ tồn kho, có chính sách đổi với cho vay với người thu nhập thấp.

Nguồn Khampha


Sự kiện