Thứ Ba | 07/05/2013 14:55

Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ: Ngân hàng trả lãi cho nền kinh tế 300.000 tỷ đồng/năm

Trong đó, có 280.000 tỷ đồng trả lãi cho doanh nghiệp và người dân gửi tiết kiệm.
Tại hội thảo "Tín dụng ngân hàng phục vụ tăng trưởng kinh tế" do Học viện ngân hàng tổ chức sáng nay (7/5), ông Phạm Xuân Hòe, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết,mỗi năm, hệ thống ngân hàng đang trả lãi cho nền kinh tế hơn 300.000 tỷ đồng.

Trong đó, có 280.000 tỷ đồng trả lãi cho doanh nghiệp và người dân gửi tiết kiệm, còn lại là khoản trả lãi cho SCIC, Kho bạc Nhà nước, các tổ chức bảo hiểm...

Tại hội thảo, ông Hòe cũng dẫn lại số liệu các chuyên gia trước đó cho biết, hiệnnền kinh tế đang trả lãi cho ngân hàng 400.000 tỷ đồng/năm. Câu hỏi đặt ra phải chăng là ngân hàng đang lãi lớn từ nghiệp vụ huy động và cho vay?

Về vấn đề này, ông Hòe cho biết, nếu tính từng phần ngân hàng còn rất nhiều khoản chi phí khác. Trong đó, khoản lớn nhất chi phí trích lập dự phòng rủi ro. Số liệu cụ thể cho thấy, cuối 2012, tổng mức trích lập dự phòng rủi ro lũy kế đến trung tuần tháng 11/2012 khoảng 68.000 tỷ đồng và con số này tiếp tục tăng lên tiếp trong quý I/2013.

Ngoài ra, ngân hàng còn phải chịu nhiều khoản chi phí khác như chi phí đọng vốn và tiền mặt, chi phí dự trữ bắt buộc tại Ngân hàng Nhà nước, chi phí bùđắp về thanh khoản.

Trước đó, trong bài viết đăng trên báo Thanh Niên ngày 11/3, TS Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội nhận xét, với tổng dư nợ tín dụng hiện nay là 2,7 triệu tỷ đồng, lãi suất cho vay 15%/năm thì doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế phải trả lãi cho ngân hàng gần 20 tỷ USD, tương đương 1/6 GDP.

Tuy nhiên, tại cuộc họp cuối tháng 4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn lại cho rằng, Bộ Tài chính đã tiếp cận 66 ngân hàng thương mại lấy từng con số ngồi cộng lại. Theo đó, số phải trả từ khu vực doanh nghiệp của năm 2010 là 202.000 tỷ, đến 2011 phải trả 401.000 tỷ, còn năm 2012 vừa cộng xong kết quả thì khoảng 480.000 tỷ.

Nguồn Dân Việt


Sự kiện