Thứ Sáu | 18/01/2013 07:30

Phó Tổng giám đốc VFM: Giải thể VF2 do không thể chuyển sang quỹ mở

VF2 là quỹ thành viên nên khó có thể chuyển sang quỹ mở. Do vậy, thà đóng quỹ để mở quỹ mới, Phó Tổng giám đốc VFM cho biết.
Khởi đầu năm 2013, thị trường chứng khoán đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn. Riêng với những nhà đầu tư chuyên nghiệp - quỹ đầu tư, năm 2013 cũng là năm hứa hẹn với các quỹ mở. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Khánh Lynh, Phó Tổng giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh của Công ty quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM) về vấn đề trên và định hướng của VFM trong năm nay.
Mới đây, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã có nhiều giải pháp hỗ trợ thị trường. Ông đánh giá những biện pháp này sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường chứng khoán nói chung cũng như các quỹ nói riêng?

Ông Phạm Khánh Lynh, Phó Tổng giám đốc phụ trách phát triển kinh doanh của Công ty quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (VFM).
Ông Phạm Khánh Lynh, Phó Tổng giám đốc VFM.
Theo tôi, năm 2013 đã có khởi sắc từ đầu năm với các động thái tích cực, quyết liệt từ cơ quan quản lý như giãn biên độ và đưa ra 8 nhóm giải pháp hỗ trợ thị trường. Bên cạnh đó, dòng tiền cũng là một yếu tố. Hiện nay, tiền không biết đi đâu do đầu tư vào vàng không còn hứng thú nữa.

Người ta đang chú trọng đến các giải pháp đồng bộ sau một khoảng thời gian dài im ắng, những giải pháp mới đây của UBCK tạo ra yếu tố tâm lý, giúp mọi người hưng phấn hơn. Mà đặc thù của thị trường chứng khoán là thị trường tương lai, sống bằng kỳ vọng của nhà đầu tư, nếu như tạo ra được kỳ vọng cho nhà đầu tư thì thị trường cũng biến động theo.

Tuy nhiên, để có một thị trường ổn định với sự thu hút của nhà đầu tư thì chủ yếu phải dựa vào doanh nghiệp, song phải chờ tới kỳ đại hội cổ đông sắp tới mới rõ ràng được. Những biện pháp đưa ra chỉ giúp tăng thanh khoản, tăng công cụ cho thị trường, còn thị trường tốt thì phải do chính bản thân nó.

Riêng các quỹ thì đều có chiến lược nhất định, họ không có bị những biến động bất thường trên thị trường tác động nhiều nhưng việc thị trường tốt lên cũng sẽ tạo ra sự hưng phấn để các quỹ chọn các khoản đầu tư dễ dàng hơn.
Các quỹ của VFM hiện có lượng khoảng 450 tỷ đồng tiền mặt, trong điều kiện thị trường đang hưng phấn, quỹ có dự kiến sẽ sử dụng tiền mặt này như thế nào?

Mỗi một quỹ đều có chiến lược riêng, nhưng không có nghĩa thấy thị trường sôi động mình mới nhảy vào mà phải theo những kế hoạch mình đã đặt ra. Rõ ràng thời gian qua tình hình xấu nhưng cũng tạo ra cơ hội để tìm ra các cổ phiếu tốt. Với VFM, kế hoạch giải ngân sẽ thiên về những công ty có tiềm lực tốt và ổn định trong lâu dài.
Năm 2013, quỹ VFA sẽ chuyển sang quỹ mở. Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường quỹ mở tại Việt Nam?

Trào lưu quỹ mở là đúng vì trên thế giới, ETF (một dạng quỹ mở) chiếm tỷ trọng lớn nên việc chuyển sang quỹ mở là tất yếu. Với chúng tôi, VFA sẽ chuyển sang quỹ mở trong thời gian tới, còn VF1 tới 2014 sẽ hết hạn nên mọi người cũng đang cân nhắc. Nhưng tu hướng chung là các quỹ đóng sẽ chuyển sang quỹ mở.
Trong khi 3 quỹ do VFM đều có định hướng chuyển sang quỹ mở. Ông có thể cho biết tại sao với riêng quỹ VF2 lại để giải thể?

Ngày 24/1/2013, Quỹ đầu tư tăng trưởng Việt Nam (VF2) sẽ tổ chức đại hội thành viên bất thường để thảo luận về các vấn đề liên quan đến giải thể quỹ.Kết thúc tháng 8/2012, giá trị tài sản ròng của VF2 còn 540 tỷ đồng, tương ứng 5.608 đồng/chứng chỉ quỹ, giảm 30% so với cuối năm 2009. VF2 nắm khá nhiều cổ phiếu nhưng thông tin cụ thể về danh mục đầu tư của quỹ này khá hiếm hoi.Theo tính toán, từ ngày giải thể (9/10/2012), quỹ đã chi 17 triệu đồng để trả phi lưu ký cho Trung tâm lưu ký (VSD). Để thanh lý tài sản, VF2 đã chi 45 triệu đồng cho môi giới bán chứng khoán và 8 triệu đồng tiền phí chuyển nhượng cổ phần. Tổng chi phí báo giá chứng khoán OTC dự kiến là 122 triệu đồng.

VF2 đã đến hạn từ năm 2011 nhưng do yêu cầu của nhà đầu tư nên kéo dài thời gian đó ra, thực chất quỹ đã giải thể từ trước đó (tháng 10/2012 - PV).

Đây là quỹ thành viên, không phải là quỹ đại chúng như 3 quỹ VF1, VF4 và VFA. Quỹ thành viên thì bản thân thành viên rất ít và phần lớn các cổ phiếu nắm giữ mang tính đặc thù.

Để chuyển sang quỹ mở, điều đầu tiên đây phải là quỹ đại chúng, đủ số lượng nhà đầu tư và cơ cấu tài sản phải phù hợp bởi có đặc thù là nhà đầu tư bất cứ khi nào muốn rút vốn thì quỹ phải có tiền phải trả cho người ta. Mà muốn trả tiền thì các tài sản của quỹ phải có tính thanh khoản cao. Nhưng phần lớn các quỹ thành viên chỉ tối đa 30 người và đều là các tổ chức, nếu muốn chuyển đổi ra thì rất phức tạp, nên thà đóng quỹ để mở quỹ mới.

Những yêu cầu của một quỹ mở thì quỹ thành viên không đáp ứng được và đây chính là lý do VF2 giải thể. Theo tôi, hiện nay giải thể chính là phương án tốt nhất.

Ông có thể cho biết sau khi giải thể, VF2 sẽ thực hiện thanh lý tài sản và trả tiền cho nhà đầu tư như thế nào?

VF2 đặc thù là quỹ thành viên nên các tài sản cũng mang tính đặc biệt. Các nhà đầu tư đã tham khảo và quỹ cũng có phương án rồi. Thời gian vừa qua thị trường ấm lên cũng là cơ hội thuận lợi cho quỹ bán các tài sản. Phần còn lại cũng chiếm chưa đến 30%, chủ yếu là vốn cổ phần tư nhân (private equity).

Nguồn Khampha


Sự kiện